BÁO CHÍ - LUẬN BÀN
Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến 'Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường'.
Tại tọa đàm, các nhà báo, luật sư đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến quyền tác nghiệp của nhà báo, qua đó tìm kiếm những giải pháp bảo vệ quyền tự do báo chí, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và chuyên nghiệp cho các nhà báo.
Nhà báo Trần Sơn Bách (báo Nhân Dân) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo: “Báo chí là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ nhà báo. Hành lang này vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo động lực giúp họ cống hiến, phát huy vai trò phản biện xã hội và đóng góp giá trị tích cực cho cộng đồng”.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự cho rằng, bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết. Hành lang pháp lý đầy đủ cần đi đôi với thực thi nghiêm minh, bởi luật pháp không được áp dụng hiệu quả sẽ khó đạt mục tiêu. Chỉ khi luật pháp và thực thi song hành, quyền lợi nhà báo mới được đảm bảo và nghề báo phát triển bền vững.
Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phóng viên hiện trường, nhà báo Đoàn Bổng - Báo VietNamNet chia sẻ, hiện nay có thể phân chia các đối tượng cản trở thành ba nhóm chính: các tổ chức, cơ quan chức năng và những người dân thiếu hiểu biết hoặc bị tác động bởi lợi ích cá nhân.
“Trong đó, nhà báo thường đối mặt với hai tình huống: né tránh thông tin và trả thù. Né tránh nhằm bảo vệ lợi ích riêng, còn trả thù, dù hiếm, lại gây áp lực nghiêm trọng. Trước né tránh, phóng viên cần linh hoạt tìm kiếm nguồn khác. Đối với trả thù, phải kiên định bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giữ vững lập trường”, nhà báo Đoàn Bổng chia sẻ thêm.
Trong phần tương tác với các sinh viên báo chí, tọa đàm nhận về gần 400 lượt thảo luận với các khách mời thông qua các nền tảng trực tuyến.
Giải đáp thắc mắc về sự hỗ trợ của công chúng dành cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Trần Sơn Bách cho rằng người dân có thể hỗ trợ trong những tình huống cụ thể, nhưng không nên chỉ trông chờ vào sự bảo vệ từ công chúng mà cần tự bảo vệ mình. Cách tốt nhất là mỗi nhà báo cần hiểu luật và làm đúng, làm chuẩn theo luật, đồng thời mỗi nhà báo cần tích cực xây dựng các mối quan hệ cá nhân hỗ trợ bản thân trong quá trình tác nghiệp.
Tọa đàm không chỉ giúp sinh viên ngành báo chí, các nhà báo, phóng viên nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm trong nghề, mà còn trang bị cho sinh viên, những người làm báo kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với các thách thức trong thực tiễn công việc, đặc biệt là trong các tình huống nguy hiểm.
BÁO CHÍ - LUẬN BÀN
TIN XEM NHIỀU
Giới thiệu Hội Nhà báo thành phố Hà Nội (27/09/2021 11:48:00)
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội:Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ (20/06/2024 10:57:00)
- 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Phát huy nguồn lực, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững (28/07/2023 10:11:00)
- Phát triển đô thị hai bên Vành đai 4:Khai thác tối đa giá trị đất đai (03/01/2024 15:18:00)
- Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô: Giải pháp nào cho nguồn vốn đầu tư? (15/05/2024 10:13:00)