CHÂN DUNG NHÀ BÁO CHÂN DUNG NHÀ BÁO

Nhà báo Thép Mới: Tài hoa và chất thép (Bài 2)
Publish date 06/10/2021 | 15:26  | Lượt xem: 34

Trong các tác phẩm của Thép Mới, nhân vật người chiến sỹ giải phóng chiếm vị trí trên hết và hình ảnh đẹp nhất. Đó là những người chiến sỹ từ nhân dân mà ra, trưởng thành từ trong thử thách của chiến tranh cách mạng, mang trong mình dòng máu yêu nước của thế hệ cha anh, dũng cảm, can trường trong chiến trận, hy sinh thân mình vì dân tộc vì nhân dân…

 

 

Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư BCH TW Đảng (người ngồi giữa), đồng chí Tố Hữu (người thứ ba, từ trái sang) và đồng chí Thép Mới (người thứ ba, từ phải sang) bàn việc xuất bản báo Nhân Dân số đầu tại Chiến khu Việt Bắc ngày 11/3/1951_Ảnh: TL

KỲ 2: THỜI VẤT VẢ ĐI LÊN

Nghệ thuật khắc họa nhân vật

Anh Tám Sơ trong “Mùa thu ơi, mùa xuân gọi chiến trường chan chứa tình yêu”. Đó là những người chỉ huy, chiến sỹ trong bút ký “Một trận đánh “chí cốt””, những người “lòng gang dạ thép, rất tình cảm và rất nhạy cảm”, coi đánh giặc như công việc bình thường, “dường như chẳng có cảm tưởng gì là mình vừa làm những việc rất anh hùng, vừa lập một chiến công to và có nhiều ý nghĩa”, trong gian khó, hy sinh nơi chiến trường miền Nam vẫn da diết nhớ về những người anh em đồng chí đang vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ nhân dân và lãnh tụ, bảo vệ những thành phố, nhà máy, công trình trên miền Bắc thân yêu.

Đặc biệt, hình ảnh của những người chiến sỹ giải phóng được Thép Mới khắc họa rất hiện thực, nhưng cũng đầy chất lãng mạn trong bút ký “Anh giải phóng quân”. Tác phẩm được công bố trên báo Nhân Dân tháng 7/1966. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới cam go, khốc liệt hơn, khi mà quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam cùng với vũ khí, khí tài hiện đại, phối hợp với Quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện chiến lược “tìm và diệt” hòng giành thắng lợi trên chiến trường, tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng. Ở miền Bắc, sau khi dựng lên vụ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân và hải quân hiện đại nhất thế giới tiến hành cuộc chiến tranh bắn phá hòng đưa miền Bắc “trở lại thời kỳ đồ đá”. Trong điều kiện cả nước có chiến tranh, miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa phải duy trì sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn; đồng bào, chiến sỹ miền Nam chiến đấu không chỉ tiêu diệt kẻ thù, giữ đất, giành dân, mà còn để tiêu hao tiềm lực quân sự của địch, chia lửa với hậu phương lớn miền Bắc.

Trong hoàn cảnh ấy, hơn ai hết, anh Giải phóng quân là người chiến đấu trực diện trên chiến trường với kẻ thù “giàu mạnh nhất thế giới”, sẵn sàng chấp nhận những ác liệt của trận chiến, kể cả hy sinh để đánh đuổi quân thù, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cách mạng. Và tác giả có được may mắn, là người “vinh dự gặp các đồng chí giải phóng quân đang lớn bổng lên, qua một mùa khô, với những chiến thắng lẫy lừng Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bông Trang – Nhà Đỏ, cho quân viễn chinh xâm lược Mỹ nếm đòn phủ đầu sấm sét”. Như là trong hoàn cảnh điển hình, anh giải phóng quân trong tác phẩm của Thép Mới cũng đúng là nhân vật điển hình thực tế – điển hình về tình yêu đất nước, tình yêu nhân dân, yêu đồng chí, đồng đội; điển hình về lòng dũng cảm, chí căm thù giặc và tinh thần chiến đấu ngoan cường; điển hình về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng bảo vệ nhân dân và được nhân dân yêu thương, đùm bọc, chở che. Chất điển hình ấy của anh Giải phóng quân chính là xuất phát từ trong bão tố của cuộc đời với thân phận của người dân mất nước, từ trong bão táp đồng khởi được nhân lên với những chiến thắng vẻ vang, được yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong “tình hình cả nước chiến đấu”.

Gắn liền với anh Giải phóng quân trong các tác phẩm báo chí của Thép Mới là hình ảnh những người dân bình thường, từ người già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, đồng bào các dân tộc ít người, đến những du kích, thanh niên xung phong, giao liên, bác sỹ,...

Một ông già Bang trong bút ký “Lớp lớp người con của biển căm hờn”. Đã có người con đầu là chiến sỹ quân giải phóng Lê Đại hy sinh trong trận Túy Loan, người con thứ hai là Lê Độ bị giặc bắt và sát hại khi tổ chức đánh mìn diệt quân Mỹ trong khách sạn Bạch Đằng, còn người con thứ ba là Khoát mà bà con vẫn gọi là Độ em, ông vẫn nhất quyết gửi gắm cho cách mạng. Ông bảo: “Thằng Độ em, tôi mang lên xin gửi cho cách mạng, trông nhờ cách mạng dìu dắt thành người để nó làm nốt phận sự của hai anh nó. Nó đền được nợ nước, trả được thù nhà là tôi chết cũng yên lòng”.

Những bà má chiến sỹ trong tùy bút “Anh giải phóng quân” ngăn không cho bộ đội ra chữa cháy những ngôi nhà bị bom Mỹ, lấy thân mình che cho chiến sỹ bị thương, bởi nhà có cháy các má làm lại cái khác, nhưng “các anh cần sống” để đánh giặc. Những cô du kích Đội nữ võ trang ở vành đai Củ Chi, mỗi người mỗi cảnh, có cô được má tiễn đi còn dặn “đi mà bỏ về là tao chặt giò”, có cô trốn cha mẹ, gia đình để gia nhập đội, nhưng ai cũng dũng cảm, đi đánh Mỹ như đi hội, trong gian khổ vẫn chan chứa tình thương đồng đội, đồng bào (bút ký: “Từ trận Điện Biên Phủ của đất Củ Chi”).

Những người thanh niên xung phong, chiến sỹ lái xe trên tuyến đường Quyết thắng, đường Hồ Chí Minh, dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua gian khổ, hy sinh, giữ vững hoạt động của mạch máu giao thông tiếp tế cho tiền tuyến lớn (bút ký: “Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn”).

Đó là những người dân hiền lành, nhân hậu, sẵn lòng nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào, mang nặng nợ nước, thù nhà, một lòng trung trinh tin tưởng vào cách mạng, vào Bác Hồ, chịu đựng gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả tính mệnh vì thắng lợi của cách mạng. Họ là lớp lớp người tạo nên biển lớn nhân dân nâng sóng cho con thuyền cách mạng đi tới, là thành trì tin cậy nhất, bao bọc bảo vệ đội quân cách mạng, là điểm tựa vững chắc không gì có thể lay chuyển cho những chiến công của đội quân giải phóng anh hùng.

Có một điều rất riêng ở Thép Mới là khi ông viết về những cuộc chiến đấu trong lửa đạn khốc liệt, về sự hy sinh của những người chiến sỹ giải phóng, về sự gian khổ, mất mát của đồng bào trong chiến tranh mà không hề bi lụy. Hy sinh, mất mát và buồn đau đấy nhưng vẫn “chan chứa tình yêu”, chan chứa niềm tin vào chính nghĩa, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Và ở bất cứ đâu, ngay trong chiến hào đầy khói lửa của trận đánh hay trong những phút sinh hoạt đời thường, đều ánh lên niềm lạc quan, yêu đời, chất hào sảng của những con người chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thống nhất của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

Đó hoàn toàn không phải một sự thi vị hóa hay lãng mạn phi hiện thực theo cách nghĩ của những người đã định vị trong đầu cái logic “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Đó là một logic hiện thực bắt nguồn từ cuộc sống, một logic rất riêng của Việt Nam mà Thép Mới đã nhận ra từ thực tế cuộc chiến đấu của đồng bào và chiến sỹ trên tiền tuyến lớn Miền Nam, đã đưa vào và tô đậm lên trong các tác phẩm của mình.

 

Nhà báo Thép Mới những năm cuối đời

“Cuộc chiến” chưa dừng lại

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất một nhà, nhưng cuộc chiến đấu của Thép Mới chưa dừng lại. Với vũ khí là cây bút, ông lại bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu để hàn gắn những vết thương của 30 năm chiến tranh, dựng xây lại đất nước to đẹp, đàng hoàng hơn như lời căn dặn của Bác Hồ.

Một lần nữa, Miền Nam lại là tuyến đầu của công cuộc cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Với tình yêu đối với Miền Nam, trách nhiệm với cây bút và nghề nghiệp của mình, Thép Mới tình nguyện ở lại TP. Hồ Chí Minh để được “hòa mình vào cuộc sống, xông tới những nơi xuất hiện những sự kiện, những con người điển hình” – như nhận xét của nhà báo Hoàng Tùng.

Nếu trong kháng chiến chống Mỹ, trận tuyến đánh quân thù vô cùng gian khổ và ác liệt, trong công cuộc hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng lại những thành phố, làng mạc của đất nước nói chung và Miền Nam nói riêng cũng không kém phần khó khăn và phức tạp.

Sự khó khăn, phức tạp trong hòa bình xây dựng không chỉ xuất phát từ những hậu quả, di hại từ chiến tranh như sự tàn phá bởi vũ khí chiến tranh, sự ô nhiễm môi trường sống bởi chất độc và bom mìn, những mặc cảm hận thù giữa người với người và những chia rẽ xã hội trong nội bộ dân tộc, những rắc rối từ quan hệ quốc tế v.v.. Nó còn bắt nguồn từ những cách nghĩ, cách làm chưa hợp lý, từ những lợi ích cá nhân, những tư tưởng vụ lợi được che đậy dưới những lớp vỏ công tâm và tích cực.

Thép Mới tắm mình trong thực tiễn ấy, thấu hiểu sâu sắc quá trình “vất vả đi lên” của đất nước, lo lắng trước những khó khăn chung của đất nước, vui với từng chuyển động tích cực, từng nhân tố, dấu hiệu tiến bộ ở những nhà máy, xí nghiệp và địa phương.

Vào ngày Quốc khánh đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Thép Mới thổ lộ niềm vui hân hoan, tràn đầy cảm xúc trước chiến thắng: “Trọn vẹn, dứt khoát, mở ra mọi chiều triển vọng xán lạn, bao la, là thắng lợi mà hôm nay mỗi người chúng ta đang thở với không khí hằng ngày, căng đầy lồng ngực... Dân tộc này sống mãi, sống lớn, sống đẹp, sống độc lập, tự do và hạnh phúc thật sự từ đây” (“Về với tương lai”, báo Nhân Dân, ngày 2/9/1975).

Đúng là một niềm vui, niềm tự hào quá lớn lao, song ông cũng hiểu rằng, để xây dựng cuộc đời mới, xây dựng đất nước to đẹp, đàng hoàng là một sự nghiệp không đơn giản. Bởi ngay khi khói súng vừa tan, không khí chiến thắng còn rộn ràng, náo nức, ông đã dự báo rằng, “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Nhưng chiến dịch mang tấm lòng của Bác Hồ đến với mỗi nhà phải chăng chỉ mới bắt đầu?” (“Gặp một chiến sỹ cắm cờ trên dinh Độc Lập”, báo Nhân Dân, ngày 21/5/1975). Đó chính là một chiến dịch khổng lồ, lao động sáng tạo, lâu dài và không kém phần gian khổ nhằm thực hiện ước nguyện của Người “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Cùng với cảm hứng ấy, Thép Mới còn có một loạt bút ký: “Bạc giả bắn vào con người và đời sống” (Nhân Dân, ngày 1 và 2/3/1976); “Dặm biển, dặm trời ta đi tới – đảo quê hương” (Nhân Dân, các ngày 6, 8 và 9/7/1976); “Có một sự nghiệp xây dựng Tây Nguyên đẹp tươi, hùng vĩ” (Nhân Dân, từ 25 đến 28/4/1978); “Chuyển động ở thành phố lớn” (Nhân Dân, ngày 1/1/1981); “Mùa xuân lại nhìn từ cơ sở” (Nhân Dân, ngày 25/1/1982) v.v..

Vui lắm với chiến công oanh liệt của dân tộc, tin lắm với tương lai tươi sáng của đất nước, nhưng trong niềm vui, niềm tin ấy vẫn thấu hiểu sâu sắc những thách thức đang còn ở phía trước. Hãy nghe Thép Mới trải lòng với những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc: “Ràng ơi, Tài ơi, đã dậy lên rồi bình minh của cuộc đời sẽ khác, ngày mai không xa nắm chắc. Chủ nghĩa xã hội của nước ta, sức mạnh dấy lên từ người, sức mạnh dấy lên từ đất... Vui hôm nay là vui đẫm mồ hôi, vui trào chất xám, trong chiến đấu còn nhiều vất vả để đi lên” (Ánh sáng với mùa xuân, báo Nhân Dân, Tết Đinh Tý, ngày 18/2/1977).

Chứng kiến những khó khăn, vất vả trong phát triển kinh tế, những khoảng tối trong đời sống xã hội, nhưng Thép Mới vẫn vững tin vào những điều tốt đẹp của chế độ, tin vào cái mới đang và sẽ nhất định xuất hiện từ thực tế lao động sáng tạo của nhân dân. Viết về Nhà máy dệt Thành Công, một cơ sở công nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh (Mùa xuân lại nhìn từ cơ sở, báo Nhân Dân, ngày 25/1/1982), ông hiểu đến chân tơ, kẽ tóc những khó khăn của nhà máy trong tình hình chung của cả nước. Đó là những khó khăn khách quan, từ thiếu thốn, nghèo nàn mang lại: “Một năm mà vật tư nguyên liệu của nhà nước cấp nói chung chỉ còn một nửa. Điện thiếu như chưa từng bao giờ xảy ra”.

Đó cũng còn là những khó khăn từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ chính những hạn chế về cách nghĩ, cách làm của cán bộ và nhân dân: “Thầm lặng và gay cấn vô cùng là cơn điên đầu của những cơ sở sản xuất bước đầu bung ra kinh doanh, với những ràng buộc về chính sách ngoại tệ kéo dài mấy tháng mới gỡ ra được, tiếp theo liền là quý cuối năm, là cuộc biến động đột ngột về giá cả. Cộng vào tất cả những cái đó là sự “hỏi thăm sức khỏe” liên tục của không biết cơ man nào là đoàn kiểm tra của các cơ quan tổng hợp, mang cái nhìn và các luật lệ cũ chưa thay đổi, đến mời vào khuôn phép và vô tình bổ lấy bổ để vào cái mới sơ sinh”.

Và chính trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó, tác giả đánh giá rất cao “Cái mới trồi lên trong gian nan cực kỳ”, sự đi lên của cuộc sống mới ngay từ những “vất vả” của công cuộc hồi sinh đất nước. Chính sự mạnh dạn tìm tòi các giải pháp, bước đi dũng cảm, sáng tạo để phát triển sản xuất trong khó khăn, thiếu thốn, hạn chế trăm bề đã làm nên những điển hình trong phát triển kinh tế ở TP.Hồ Chí Minh như Nhà máy dệt Thành Công, Nhà máy Vĩnh Hội (Nhà máy Baxtô cũ), Nhà máy thuốc lá Sài Gòn (Nhà máy Mích cũ), mở ra chuyển động cho cả Thành phố lớn.

Cũng trong thời kỳ này, Thép Mới còn viết một số bài viết về chân dung những nhân vật lịch sử, cán bộ lãnh đạo, những đồng chí, đồng nghiệp mà ông tin yêu, quý trọng. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thép Mới viết bài “Bác Hồ trên núi Hồng” (Nhân Dân, ngày 19/5/1990) kể lại những kỷ niệm ấm áp về người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc trong những lần được gặp Bác.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông có bài “Sáng tạo, một tấm gương lớn” (Nhân Dân, ngày 7/11/1982), ca ngợi tấm gương của đồng chí Lê Duẩn, một con người vào sinh ra tử, trải qua những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, luôn đấu tranh và làm việc với tinh thần sáng tạo.

Bài “Chị Mười Thập của chúng ta” viết về bà Nguyễn Thị Thập, người con của sông Tiền, tham gia phong trào Công hội Đỏ từ năm 1929, trở thành người lãnh đạo hàng đầu của phong trào phụ nữ cả nước, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Đó cũng là các bài viết về: Danh nhân Nguyễn Trãi (Vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc, báo Nhân Dân, ngày 26/5/1979); vị anh hùng áo vải Quang Trung (Quang Trung với thời cơ 89, báo Nhân Dân, ngày 12/2/1989); danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm (Năm trăm năm Nguyễn Bỉnh Khiêm, báo Hải Phòng, ngày Tết Đinh Mùi 1991); Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Cái trong của một đời người, báo Nhân Dân, ngày 17/2/1988), đồng chí Trường Chinh (Ngày 5 tháng 10 năm 1947, báo Nhân Dân, ngày 5/10/1988); đồng chí Phạm Hùng (Một người cùng thời với Lý Tử Trọng, báo Nhân Dân, ngày 14/3/1988); về nhạc sỹ Lưu Hữu Phước (Cái mới của Lưu Hữu Phước, báo Nhân Dân, ngày 12/6/1989); nhà báo đồng nghiệp Nguyễn Hữu Chỉnh (Một cây bút, một con người, báo Nhân Dân, ngày 21/5/1991) v.v.. Mỗi gương mặt, mỗi cuộc đời của mỗi nhân vật đều được Thép Mới khắc họa với những đường nét sắc sảo, cái nhìn trân trọng, tin yêu và tấm lòng thật chân thành, nhân hậu.

***

“Sống hết mình vì cách mạng và nghệ thuật” là tác phẩm cuối cùng in trong cuốn sách “Sáng đỉnh Trường Sơn”, chọn lọc những bài viết của Thép Mới trong khoảng thời gian từ kháng chiến chống Mỹ đến cuối đời. Đây là bài viết của Thép Mới về người bạn chiến đấu thân thiết của mình, người mà “tình chung chiến hào và giờ tháng Tám”, nghệ sỹ nhân dân Phạm Văn Khoa, khi ông vào thăm bạn đang ốm nặng trong bệnh viện. Nhưng không ngờ, Thép Mới lại ra đi trước Phạm Văn Khoa gần 2 tháng. Thép Mới nhận xét bạn là người “Nghệ sỹ từ trong con người, từ cả cuộc đời”, một con người “sống hết mình vì cách mạng và nghệ thuật”, những điều hoàn toàn có thể vận vào chính cuộc đời ông, một nhà báo mà chất nghệ sỹ tài hoa từ trong con người, giao hòa với chất thép của một chiến sỹ cách mạng, suốt đời cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, để lại một sự nghiệp sáng chói trong lịch sử báo chí Việt Nam./.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thép Mới: Cây tre Việt Nam, Nxb CTQG, HN, 2001.
2. Thép Mới: Sáng đỉnh Trường Sơn, Nxb CTQG, HN, 2001.
3. Nhiều tác giả: Nhớ một thời làm báo Nhân Dân, Nxb CTQG, HN, 1996.
4. Hồng Vinh (chỉ đạo biên soạn): Sơ thảo lịch sử 50 năm báo Nhân Dân 1951-2001, Nxb CTQG, HN, 2001.
5. Báo Nhân Dân: Những người làm báo Nhân Dân (1951-2016), Nxb CTQG, HN, 2016.
6. Giáo sư Hà Minh Đức chủ biên: Thời gian và nhân chứng (hồi ký của các nhà báo), Nxb CTQG, HN, 1997.
7. Một số bài báo của các tác giả viết về nhà báo Thép Mới.

Theo Tạp chí Người Làm báo Việt Nam

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO