CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO

20 năm và cuộc chuyển mình của Báo Hànộimới điện tử
Publish date 24/10/2023 | 14:29  | Lượt xem: 70

Ngày 10-10-2003 - Báo Hànộimới điện tử chính thức hòa vào dòng thông tin toàn cầu sau hơn 3 tháng phát thử nghiệm.

 

Tập thể Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới bấm nút khai trương giao diện hanoimoi.vn và tòa soạn hội tụ.

Còn nhớ, tại lễ ra mắt chính thức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới khi đó là đồng chí Nguyễn Xuân Trình phát biểu: Ngày 21-6-2003, Báo Hànộimới điện tử “trình làng” một cách khá “lặng lẽ” trên Internet.

Khi đó, bộ phận làm báo điện tử mới chỉ có vỏn vẹn 5 thành viên và hệ thống máy móc duy nhất là... một chiếc máy vi tính. Ngay sau tuần đầu tiên phát thử nghiệm, con số độc giả truy cập lên tới vài trăm lượt/ngày. Như được tiếp thêm sức mạnh, đội ngũ những người làm báo điện tử của Báo Hànộimới đã càng hăng say hơn bao giờ hết, vừa làm, vừa học hỏi để đến ngày ra mắt, lượng độc giả truy cập đã đạt trung bình 3.000 lượt/ngày…

Giờ đây, lượng truy cập vào Báo điện tử Hànộimới đã không còn được tính bằng lượt theo những lần “nhấp chuột” như thuở ban đầu nữa. Sau 20 năm, Báo điện tử Hànộimới đã định vị mình trên bảng xếp hạng Similarweb ở vị trí top đầu trong hệ thống báo Đảng địa phương và cả nước với hàng triệu người dùng ổn định mỗi tháng.

20 năm, từ một trang điện tử ban đầu chỉ thuần túy truyền tải lại thông tin trên các ấn phẩm báo giấy của Hànộimới, đến nay, Báo điện tử Hànộimới đã trở thành một ấn phẩm mạnh với hơn 40 chuyên mục độc lập, mỗi ngày đăng tải hàng trăm tin, bài thời sự, phản ánh phong phú, đa dạng các sự kiện trên địa bàn Thủ đô và cả nước, thực sự là một địa chỉ thông tin tin cậy với bạn đọc.

20 năm, từ chỗ những bài viết trên báo điện tử của Hànộimới còn thật “mới” ở các giải báo chí, giờ đây, chúng tôi đã có nhiều tác phẩm được ghi nhận, giành được thứ hạng cao ở tất cả các giải báo chí danh giá nhất của đất nước và Thủ đô, như Giải báo chí quốc gia; Giải Búa Liềm vàng; Giải báo chí Ngô Tất Tố; Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh…

20 năm, từ những thông tin được trình bày đơn giản, chỉ có text và ảnh, nay Báo điện tử Hànộimới đã sản xuất được cơ bản đầy đủ các loại hình báo chí mới, xây dựng được một hệ sinh thái số để tiếp cận với độc giả trên mọi nền tảng: Tháng 10-2008, Báo điện tử Hànộimới mở chuyên mục video và đến năm 2011 nâng cấp chuyên mục này lên thành Bản tin truyền hình. Đầu năm 2013, ra mắt Bản tin phát thanh. Tháng 1-2015, chính thức đưa vào hoạt động chức năng tọa đàm, giao lưu trực tuyến. Tháng 10-2015 ra mắt phụ trang Nhịp sống Hà Nội với những thông tin chuyên sâu về văn hóa, đời sống Thủ đô. Giữa năm 2017, thực hiện thông tin bằng hình thức đồ họa. Tháng 10-2018, bắt đầu thực hiện các bài viết với hình thức Megastory, Interactive rồi sau đó là Podcast... Và năm 2023 này, các kênh thông tin mạng xã hội của Báo Hànộimới đã xuất hiện trên Tiktok, YouTube, Zalo, Facebook.

Cùng với đổi mới nội dung, trong 20 năm hoạt động, Báo điện tử Hànộimới đã nhiều lần thay đổi giao diện theo hướng hiện đại, thân thiện hơn với độc giả, tích hợp các ưu thế công nghệ mới cho cả phiên bản máy tính cá nhân và điện thoại di động. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2019, khối thông tin về Hà Nội, về hoạt động của lãnh đạo thành phố, các vấn đề thiết thực trong đời sống người dân Thủ đô đã được bố trí ở vị trí nổi bật trên trang chủ, gây ấn tượng mạnh, thu hút nhiều hơn sự truy cập của bạn đọc.

Báo điện tử Hànộimới cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu trực tuyến để lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành… trực tiếp giao lưu, tương tác, trả lời về những vấn đề được đông đảo nhân dân Thủ đô quan tâm. Các cuộc thi viết, cuộc thi ảnh, video clip để tăng tính tương tác với bạn đọc cũng được tổ chức. Nhiều cuộc thi đã tạo được tiếng vang và thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc và sự đồng hành của các sở, ngành, doanh nghiệp như Cuộc thi ảnh và video clip “Hà Nội trong trái tim tôi” (2010), Cuộc thi ảnh “Sông hồ trong xanh, cuộc sống an lành” (năm 2014), Cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử văn minh - thanh lịch” (năm 2017 - 2018)…

Tuy nhiên, dấu mốc 20 năm cũng là dịp để những người làm Báo điện tử Hànộimới nói riêng và Hànộimới nói chung nhìn lại mình nghiêm túc hơn, đánh giá sâu sắc hơn về những mặt đã làm được, cũng như những khiếm khuyết, hạn chế. Có thể thấy tờ báo chưa có sự bứt phá mạnh mẽ trong phương pháp và phong cách làm báo để nâng cao chất lượng thông tin, chưa phát huy hết những tiềm năng, thuận lợi sẵn có. Báo điện tử Hànộimới cũng chưa có nhiều bài viết mang tính tổng kết sâu sắc các hoạt động của Thủ đô và cả nước. Tầm bao quát thông tin về các hoạt động, các sự kiện quan trọng, bức xúc trên phạm vi cả nước còn hạn chế. Việc phản ánh đời sống dân sinh còn chưa “đậm đà”, thiếu tính hấp dẫn…

Sự phát triển của công nghệ, xu hướng dịch chuyển độc giả, xu hướng tiếp nhận thông tin… thực sự đã thay đổi như vũ bão trong 20 năm qua. Trước áp lực cạnh tranh thông tin gay gắt giữa các cơ quan báo chí, giữa báo chí với mạng xã hội, trước những việc đã làm được và những điều còn trăn trở, những người làm Báo điện tử Hànộimới càng nhận thức rõ hơn bao giờ hết một “chân lý” của hôm nay: Phát triển song hành cùng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số là lựa chọn không thể khác của mọi cơ quan báo chí, đặc biệt là với báo điện tử. Việc tiếp tục đổi mới báo điện tử, hướng tới xây dựng tòa soạn điện tử chuyên nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy báo điện tử phát triển nhanh, mạnh, bền vững, cạnh tranh cùng các cơ quan báo chí lớn khác là bước đi tất yếu.

Trong một bài viết có nhan đề “Cơ hội và thách thức của Hànộimới giữa kỷ nguyên số” đăng trên số báo Hànộimới đặc biệt kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức có viết: “Thế giới đang thay đổi và phát triển từng ngày. Kỷ nguyên số thực sự đang len lỏi tới từng ngõ ngách của đời sống, tác động tới thói quen, lối sống của mỗi con người. Cũng giống như các cơ quan báo chí trên cả nước, Báo Hànộimới đang đứng trước những cơ hội và thách thức giữa sự phát triển bùng nổ của kỷ nguyên số. Làm thế nào để vượt qua khó khăn, thách thức, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và xa hơn có thể chinh phục những thành công mới? Đó là câu hỏi mà mỗi người làm báo Hànộimới phải quan tâm, tìm câu trả lời thích đáng để xứng đáng với truyền thống vẻ vang và sự yêu mến mà bạn đọc dành cho”.

Để trả lời câu hỏi đó, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Biên tập đã có nhiều chủ trương và quyết sách lớn để đẩy mạnh phát triển Báo Hànộimới nói chung, Báo điện tử Hànộimới nói riêng, trong đó, xác định đổi mới phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, cụ thể ở đây là từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động...

Song song với việc xây dựng hệ thống tòa soạn hội tụ và giao diện mới, toàn thể đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Hànộimới đã có sự nhìn nhận nghiêm túc tình hình thực tế, đồng thời tìm ra cơ hội để bứt phá về nội dung cũng như áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các công nghệ làm báo mới. Từng cá nhân đang nỗ lực để tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng tâm thế đón nhận một cách hào hứng khi có điều kiện được học tập, được bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp.

Và từng người cũng đang nỗ lực tự trau dồi, nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật tiên tiến, những phương tiện mới, cách làm báo mới, cùng tăng tốc để nhanh hơn, cùng nỗ lực để thông tin hay hơn, hấp dẫn hơn, giá trị hơn, trình bày đẹp hơn, phấn đấu trở thành tờ báo Đảng mạnh về tuyên truyền chính trị, sắc sảo trong các thể loại chính luận; từng bước khẳng định uy tín của tờ báo trong việc đóng góp các giải pháp về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO