CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Ghi dấu một phần lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam
Publish date 03/04/2024 | 10:34  | Lượt xem: 68

Cách đây 75 năm (4/4/1949-4/4/2024), giữa núi rừng xã Tân Thái, huyện Đại Từ ATK, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng do Tổng bộ Việt Minh tổ chức: Lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cái nôi của những hạt nhân báo chí cách mạng

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ lựa chọn là An toàn khu (ATK) với trung tâm Thủ đô kháng chiến là huyện Định Hóa. Không chỉ là đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, đây còn là nơi đặt trụ sở của các cơ quan báo chí, văn hóa nghệ thuật.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc; ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.

Ban Giám hiệu Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: T.L)

Tên trường được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt theo tên cụ Huỳnh Thúc Kháng - người mà Bác đã từng viết “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về nhưng 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những đồng chí lãnh đạo giầu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…

Lớp học diễn ra trong ba tháng đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi thực tế, viết bài và ra báo ở từng tổ...

Các học viên tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: T.L)

Từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương) …

Lớp học này luôn được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã 2 lần liền gửi thư đến lớp động viên, căn dặn các học viên. Ngày 06/7/1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng làm Lễ bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bận công việc đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí.

Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4-  Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.

Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng qua 2 lá thư đề ngày 09/6/1949 và 06/7/1949 đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay...

Nhằm khắc ghi một sự kiện lịch sử về lớp nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành văn hóa, địa chỉ đỏ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.

Tại buổi lễ đó, đồng chí Thuận Hữu - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân đã nhấn mạnh: "42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua".

Tôn tạo, tu bổ tương xứng với tầm vóc của Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, thu thập các tài liệu liên quan đến địa danh Bờ Rạ - nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Với các tư liệu, hiện vật, thông qua lời kể trực tiếp của các nhân chứng, được sự giúp đỡ và hợp tác của cán bộ và nhân dân xã Tân Thái, huyện Đại Từ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, địa chỉ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 đã định vị một cách chính xác tại lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47, vị trí 21 độ 35 phút 20 giây Vĩ Bắc; 105 độ 41 phút 42 giây Kinh Đông. 

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi cùng các đại biểu chụp ảnh tại tấm bia lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Lễ Khởi công tôn tạo công trình này diễn ra vào ngày 18/1 vừa qua.

Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đại Từ tổ chức Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. 

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc ta.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích hướng đến kỷ niệm 75 năm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (04/4/1949-04/4/2024) và 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, được các đồng chí lãnh đạo và các ban ngành của tỉnh Thái Nguyên tin tưởng giao trọng trách Chủ đầu tư. 

 

Đồng chí Hà Minh Huệ - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Di tích được xây dựng trên diện tích 858,9 m2, gồm 3 đơn nguyên chính, mô phỏng, phục dựng các hạng mục của di tích lịch sử, phù hợp với mục tiêu trong phạm vi quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, hài hòa về không gian, kiến trúc, cảnh quan và bảo đảm tính bền vững, bảo tồn lịch sử lâu dài.

Theo nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chủ đầu tư dự án thì đây là một công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao, do Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào trực tiếp thiết kế.

Sau khi hoàn thành, đây là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của Báo chí Cách mạng và kháng chiến tại Việt Bắc, phục vụ cho báo chí, Nhân dân và khách du lịch Hồ Núi Cốc. Mục tiêu phấn đấu của dự án là hoàn thành kịp phục vụ kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng (21/6/2025) và 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong năm 2024.

Tuy ngắn hạn nhưng đồ sộ về nội dung, cán bộ giảng dạy là những lãnh đạo của cuộc kháng chiến, giàu kinh nghiệm, phong phú lý luận và thực tiễn…Có thể nói, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của học đi đôi với hành, vừa học lý thuyết vừa thực hành. Từ đó đào tạo được những cán bộ nòng cốt, hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam tỏa sáng và góp phần to lớn xây dựng nền báo chí hôm nay.

 

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO