GIÁO DỤC - Y TẾ GIÁO DỤC - Y TẾ

Định hướng mới về tuyển sinh đại học năm 2025:Chủ động nắm bắt sớm thông tin
Publish date 28/11/2024 | 14:53  | Lượt xem: 3

Năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp chương trình mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Hướng đến mốc thời gian này, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được công bố với nhiều điều chỉnh so với hiện nay. Công tác tuyển sinh đại học cũng dự kiến có những thay đổi, đòi hỏi học sinh cần nắm bắt ngay từ thời điểm này để chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mới trong học tập và định hướng nghề nghiệp.

tu-van.jpg

Tư vấn xét tuyển cho thí sinh trong Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 7-2024. Ảnh: Minh Khang

Giảm số phương thức xét tuyển

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024 có số lượng và tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển cao nhất trong 3 năm gần đây. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận hơn 733.000 thí sinh nhập dữ liệu nguyện vọng, tương đương 68,5% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Tỷ lệ này năm 2023 là 65,9% (tương đương hơn 660.000 thí sinh) và năm 2022 là 64,1% (hơn 616.000 thí sinh).

Điều này cho thấy nguồn tuyển của các trường đại học năm nay dồi dào hơn và kỳ vọng chất lượng được nâng lên. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, các trường vẫn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn.

Đây cũng là thực trạng diễn ra ở kỳ tuyển sinh năm 2023. Có khoảng 20 phương thức đã được các trường áp dụng, trong đó, 2 phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (gần 48%) và sử dụng học bạ (hơn 37%). Các phương thức còn lại chỉ có trên dưới 1% số thí sinh nhập học/phương thức. Đáng chú ý, có một số phương thức không có thí sinh đăng ký hoặc không có thí sinh trúng tuyển.

Để khắc phục tình trạng này, ở kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường rà soát, loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các trường khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương án xét tuyển bảo đảm công bằng cho các thí sinh.

Không chỉ giảm số phương thức xét tuyển, các chuyên gia cũng dự báo, việc đổi mới phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn lựa chọn sẽ kéo theo những thay đổi về số lượng tổ hợp xét tuyển đại học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, các trường sẽ giảm số lượng tổ hợp, loại bỏ những tổ hợp xét tuyển mà dư luận không ủng hộ, ít được thí sinh chọn. Nhà trường cũng sẽ có những điều chỉnh về số lượng tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với chương trình học và yêu cầu của ngành nghề đào tạo, tuy nhiên vẫn giữ lại các tổ hợp xét tuyển truyền thống.

Có còn tổ chức xét tuyển sớm?

Câu hỏi được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là ở kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, các trường có còn được tổ chức xét tuyển sớm như năm nay?

Xét tuyển sớm là hình thức xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và không sử dụng kết quả kỳ thi này. Vấn đề này đã được đề cập tại hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 9-8 vừa qua. Tại hội nghị, đề xuất của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được nhiều trường đồng tình, đó là bỏ việc tổ chức xét tuyển sớm từ năm 2025 vì có dấu hiệu thiếu công bằng, làm mất cơ hội xét tuyển của thí sinh và của các trường khác.

Có con sẽ tham gia xét tuyển đại học năm 2025, ông Lê Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) bày tỏ: “Việc xét tuyển sớm có nhiều thuận lợi, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Tuy nhiên, qua thực tế theo dõi, tôi thấy cách thức này thiếu công bằng. Ví dụ, cùng đăng ký xét tuyển vào một ngành, nhưng các trường thường ưu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển sớm và giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, việc tổ chức xét tuyển sớm ở đại học có tác động tiêu cực. Chẳng hạn như việc thái độ học tập của học sinh có nhiều ảnh hưởng khi biết mình trúng tuyển sớm. Các trường xét tuyển sớm để yên tâm đã tuyển được nhiều thí sinh, số lượng chỉ tiêu còn lại rất ít, dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất cao, tạo ra sự mất công bằng. Từ đánh giá đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc việc tổ chức xét tuyển sớm để đưa vào định hướng công tác tuyển sinh năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường khẩn trương hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh năm 2025, đồng thời lưu ý các trường không nên có quá nhiều phương án xét tuyển. Bộ sẽ có thêm chế tài để điều tiết công tác tuyển sinh năm 2025 nhằm bảo đảm thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.