HÀ NỘI VĂN HIẾN HÀ NỘI VĂN HIẾN

Độc đáo chùa Bằng
Publish date 11/01/2024 | 23:30  | Lượt xem: 36

Tọa lạc tại số 63 phố Bằng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), chùa Bằng (Linh Tiên tự) là một trung tâm tín ngưỡng lớn của Hà Nội. Do thiếu tư liệu lịch sử liên quan nên đến nay chưa rõ niên đại khởi dựng chùa, nhưng theo thông tin trên tấm bia “Tu tạo Linh Tiên tự bi ký” được khắc năm Đinh Tỵ (1617) thì chùa Bằng được xây dựng trước đó.

chua-bang.jpg

Năm 1996, chùa Bằng được đại trùng tu. Ngày nay, chùa có kết cấu hình chữ “Công”, tổng diện tích 14.000m2, gồm tam quan, tòa Bảo tháp Báo Ân, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, vườn tượng Quán Thế Âm, vườn mộ tháp…

Công trình chính mang giá trị lớn về kiến trúc truyền thống của chùa Bằng là tòa Thượng điện với hệ thống “móng treo” độc đáo. Bên trong lòng móng có hàng trăm viên gạch vồ từ thế kỷ XV - XVI. Hệ thống tường móng vẫn được giữ nguyên như đợt đại trùng tu năm 1654. Kiểu kiến trúc “móng treo” này hiện rất ít gặp tại các công trình tín ngưỡng khác. Phía sau Thượng điện là nhà Tổ làm bằng gỗ lim với hệ thống 6 hàng cột. Giáp nhà Tổ là khu vườn mộ tháp với 6 ngôi tháp cổ.

Ấn tượng nhất phải kể đến tòa Bảo tháp Báo Ân, được xây dựng năm 2004, tọa lạc trên khu đất rộng 1.500m2 và có thiết kết hài hòa với tổng thể và các công trình còn lại. Bảo tháp có hình bát giác, gồm 13 tầng; trong đó, phần thân cao 45m; phần ngọn được làm bằng đồng, nặng 1.300kg, cao 9,66m. Riêng phần móng sâu 45m, được dựng bởi 9 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ 1m. Tám cột trụ ngoài của tháp được làm bằng đá chạm hình rồng, phượng. Bên trong tháp bài trí 104 pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá. Xung quanh tháp tôn trí 4 tượng Thiên Vương bằng đá, cao 3,5m. Trên 8 cửa ở tầng 1 của tháp treo 8 cuốn thư bằng đồng, mỗi cuốn nặng 250kg. Bảo tháp Báo Ân đã xác lập các kỷ lục “Tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam” (năm 2007) và “Tháp có nhiều tượng Phật bằng đồng nhất Việt Nam” (năm 2010).

Bên cạnh tòa bảo tháp là 18 pho tượng La Hán ngồi thẳng hàng, được tạo tác với sắc thái biểu cảm sinh động về luân hồi sinh tử. Ngoài ra còn có vườn tượng Quán Thế Âm gồm 45 pho tượng.

Trong chùa Bằng hiện còn lưu giữ một số di vật quý như bia đá, thống đá, chuông đồng; tấm bia “Linh Tiên tự ký” được khắc năm Giáp Ngọ (1654), niên hiệu Thịnh Đức thứ 2, triều Lê Thần Tông; 1 thống đá dùng để ngâm gạo làm oản cúng Phật được tạo tác vào năm Quý Mão (1723), niên hiệu Bảo Thái thứ 4, triều vua Lê Dụ Tông; đại hồng chung được đúc vào năm Đinh Dậu (1837), niên hiệu Minh Mệnh thứ 18, triều Nguyễn.

Năm 1989, chùa Bằng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Theo Thuỷ Hương (HNMO)

Anh Tuấn