KỶ NIỆM NGHỀ BÁO KỶ NIỆM NGHỀ BÁO

Chuyện vượt “sóng gió” của phóng viên thường trú ở tâm dịch
Publish date 09/10/2021 | 12:43  | Lượt xem: 34

(NB&CL) Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng tại các tỉnh, thành phía Nam, các phóng viên thường trú 'mắc kẹt' ở tâm dịch đã nhận được khá nhiều lời động viên và chia sẻ của các đồng nghiệp để có thể vượt qua 'sóng gió' như những gì địa phương nơi họ cư trú phải trải qua.

Có lẽ trong lịch sử, các tỉnh thành phía Nam chưa khi nào lại phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn như hiện nay. Dịch bệnh hoành hành kéo theo nhiều biến động lớn chắc chắn có những tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như cuộc sống của các phóng viên thường trú tại tâm dịch.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt của nó. Đối với phóng viên thường trú thì đây cũng chính là quãng thời gian làm việc sôi động, thách thức và nhiều trải nghiệm mới mẻ trong thời gian làm phóng viên tại địa phương thường trú.


Nhà báo Nha Mẫn trong trang phục bảo hộ từ đầu đến chân, tác nghiệp trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Là một phóng viên thường trú, nữ nhà báo Nha Mẫn (Báo Dân Việt) phải đeo bám tất cả các mảng, trong đó có y tế. Dịch đến, các thông tin liên quan đến diễn biến của dịch, thông tin điều trị, đời sống nhân dân, các phương án phòng chống dịch... đều được bạn đọc quan tâm. Do đó trách nhiệm được đặt ra là phải cố gắng nắm bắt nhiều thông tin bổ ích để phụng sự bạn đọc.

May mắn là ngành y tế Đồng Nai luôn “rộng cửa” với cánh phóng viên báo chí nên việc thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh khá thuận lợi và nhanh chóng” - nhà báo Nha Mẫn chia sẻ.

Tuy nhiên thuận lợi này chỉ xoay quanh tin tức văn bản, còn tin tức liên quan đến họp hành, thị sát, triển khai công tác phòng chống dịch thì phải trực tiếp ra hiện trường. Đây mới là khó khăn mà phóng viên thường trú phải tự xoay sở vượt qua để có được những thông tin hiện trường, giúp người dân có cái nhìn về tình hình dịch bệnh trong những ngày giãn cách xã hội.

May mắn nhận được sự hỗ trợ từ các sở, ngành nên việc tác nghiệp thuận lợi dễ dàng hơn. Các chốt trực, lực lượng tuần tra kiểm soát dịch cũng không gây khó dễ mỗi khi tác nghiệp.

Thông thường, phóng viên bảo vệ bản thân bằng khẩu trang N95 và xịt khuẩn tay liên tục. Còn khi vào những nơi nguy cơ cao như bệnh viện dã chiến, khu vực tiêm chủng cho công nhân, nơi lấy mẫu xét nghiệm… thì phải mặc đồ bảo hộ.

Nhà báo Nha Mẫn cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, mỗi đợt đi tác nghiệp tôi lại test nhanh Covid-19 để xem xét sức khỏe bản thân. Điều đó giúp tôi an tâm hơn trong tác nghiệp”.


Nhà báo Nha Mẫn cùng các đồng nghiệp tác nghiệp.

Tác nghiệp giữa lúc dịch bệnh căng thẳng với nỗi lo nặng trĩu nhưng đây cũng là giai đoạn làm báo sôi nổi và có nhiều trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm thú vị nhất đối với nữ nhà báo Nha Mẫn là may mắn được tác nghiệp khi có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thị sát công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai. Hay việc tân Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh vừa về nhậm chức 1 ngày đã lên đường xông pha vào các điểm nóng kiểm tra, đôn đốc, động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu chống dịch nhưng các bác sĩ chia sẻ là không an toàn vì nguy cơ cao! Qua đó hiểu được cái tâm, cái tầm của lãnh đạo mới.

Trải nghiệm thú vị còn là những chuyến tuần tra xuyên đêm cùng lực lượng chức năng phòng, chống dịch. Được chứng kiến, ghi nhận hàng trăm người dân ra đường với 1001 lý do khác nhau!

Nữ nhà báo chia sẻ: “Sau khi liên hệ và được Công an phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) đồng ý cho tuần tra đêm cùng lực lượng, đúng hẹn, 19h00 tôi đến phường thì mọi người tập trung đủ. Lúc này 2 phó phường quyết định lên xe tôi, 1 đồng chí lái xe giúp, 1 đồng chí đi cùng để tôi vừa đi vừa thuận tiện tác nghiệp. Đêm hôm có ra đường mới biết vì địa bàn rộng nên công tác tuần tra của lực lượng hết sức vất vả. Khi phạt một ai đó, nghe họ trình bày lý do cũng đủ mệt mỏi giữa tình và lý vì có những lý do như ra đường mua thuốc cho con, mai còn đem thuốc cho chị gái ở bệnh viện... Điều đó khiến cho cả công an và phóng viên đều trăn trở vì không biết làm gì cho hợp tình hợp lý. Cũng chính từ những lần nhập cuộc ấy tôi hiểu hơn khó khăn của họ và thấy rằng khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu!”.

Sự kiện đáng nhớ nhất trong những ngày tác nghiệp ở tâm dịch Đồng Nai của nữ nhà báo Nha Mẫn có lẽ là vụ nhận thẻ nhà báo nhưng phải tốn phí xét nghiệm Covid-19, tiền ăn ở. Nha Mẫn nhớ lại: “Trong khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai được kiểm soát nghiêm ngặt, thì mình đang thường trú ở Đồng Nai, trong khu phong tỏa, còn thẻ nhà báo mới được đổi còn nằm ở cơ quan (TP.HCM). Để tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên thường trú tác nghiệp, cơ quan đã cho người mang đến chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở cửa ngõ vào Đồng Nai. Vì không thể đi ra đường khi Đồng Nai đang thực hiện Chỉ thị 16 nên nữ nhà báo đã nhờ một anh Grab đi nhận thay. Sau khi nhận được thẻ thì anh Grab không thể quay lại Đồng Nai nữa vì lỡ “đi quá giới hạn” cho phép. Muốn quay về anh này phải có giấy xét nghiệm Covid-19, trong khi trời đã tối nên anh Grab đã phải tìm nhà nghỉ chờ trời sáng đi xét nghiệm để quay trở lại Đồng Nai”.

Một trải nghiệm thú vị nữa của phóng viên thường trú ở Đồng Nai như Nha Mẫn trong những ngày dịch bệnh căng thẳng là vừa tác nghiệp vừa tranh thủ làm các công tác thiện nguyện để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, công nhân trong các khu nhà trọ và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt phối hợp hỗ trợ thông tin để Sở NN&PTNT Đồng Nai nắm bắt tình hình để kịp thời giải cứu nông sản cho người nông dân, cũng như hỗ trợ nông sản cho các khu phong tỏa, cách ly và nhà trọ công nhân… Phối hợp với Sở GTVT giải quyết việc vận chuyển nông sản đi tiêu thụ trong những ngày Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội…

Tuy nhiên sau những chuyến đi đầy sôi động, mỗi lần trở về nhà báo Nha Mẫn lại tự cách ly với gia đình. “Vì đã đến nhiều nơi có nguy cơ cao như bệnh viện dã chiến, nơi tiêm chủng, bệnh viện, trạm y tế… nên trước khi bước vào nhà, tôi phải xịt khuẩn an toàn rồi mới tiếp xúc với mọi người trong nhà. Nhiều hôm vừa về đến nhà, các bé mừng rỡ đòi bế nhưng cũng đành lảng tránh” - nhà báo Nha Mẫn tâm sự. Nhưng hoàn thành nhiệm vụ, được trở về bình an trong vòng tay ấm êm, bình an của gia đình có lẽ là điều Nha Mẫn thấy hạnh phúc hơn cả.

Thanh Hải (Nhà báo & Công luận)

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO