KỶ NIỆM NGHỀ BÁO KỶ NIỆM NGHỀ BÁO

Khi người làm báo trắng đêm cùng y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch
Publish date 09/10/2021 | 13:37  | Lượt xem: 51

(CLO) Trong lúc dịch bệnh Covid-19 căng thẳng tại TP. Hồ Chí Minh, hàng ngày vẫn có những bức ảnh chân thực từ vùng tâm dịch được đội ngũ phóng viên gửi đến công chúng. Đằng sau những tấm ảnh đó là tinh thần yêu nghề, trách nhiệm, mong muốn đóng góp một phần sức lực vào cuộc chiến cam go này.

Trong những ngày cuối tháng 7 năm 2021, số bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tăng cao. Tại Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19 quy mô 1.000 giường (khu nội trú Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2) các y bác sỹ đang dồn sức cứu chữa từng bệnh nhân khi họ đang ở lằn ranh sinh tử. Nơi đây được coi là "thành trì" đánh chặn Covid-19 cuối cùng tại TP.HCM.

Có mặt tại bệnh viện từ sớm để ghi nhận lại công việc của các y bác sỹ, phóng viên Hải Long – Báo điện tử Dân Trí chờ đến đúng 21h đêm, khi 15 y bác sĩ ở khu vực điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch hoàn tất việc trang bị đồ bảo hộ trong phòng mặc PPE (phương tiện phòng hộ cá nhân), sẵn sàng vào thay ca cho đồng nghiệp.

Hoạt động đổi ca đó cũng là những bức ảnh đầu tiên trong loạt phóng sự ảnh “Đêm trắng tại "thành trì" cuối cùng chiến đấu với Covid-19 ở TP.HCM” của phóng viên Hải Long. Là phóng viên trẻ, anh luôn sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, rủi ro để ghi lại hình ảnh, bài viết về công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, khu phong tỏa, nơi có người bị nhiễm bệnh, hoặc tỷ lệ nhiễm cao.


Phóng viên Hải Long – Báo điện tử Dân Trí tác nghiệp trong đêm cùng các y bác sỹ Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19. Ảnh: NVCC

Anh mong muốn những thông tin, hình ảnh bài viết của mình gửi tới người dân để người dân hiểu và cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Từ đó, kêu gọi mọi người cùng ủng hộ công tác phòng, chống dịch để tạo sức lan tỏa trong xã hội. Phóng sự nói về cuộc chiến giành giật sự sống, cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 của các nhân viên y tế Bệnh viện hồi sức cấp cứu lớn nhất TPHCM là một trong hàng loạt tin bài có mục tiêu như thế.

Nói về phóng sự ảnh của mình, Hải Long cho biết, đã nhiều lần anh đưa tin về lực lượng y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch, nhưng đây là lần đầu tiên anh thức trắng đêm cùng các y bác sỹ tại khu vực được coi là “vùng lõi” của tâm dịch. Còn đối với các y bác sỹ tại đây, họ đã dần quen với những buổi đêm không ngủ, những lần chuẩn đoàn và điều trị đột xuất, ngày đêm chiến đấu với kẻ thù vô hình, giành lại cuộc sống cho người bệnh.

Hải Long chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi vào Bệnh viện hồi sức cấp cứu này. Lần thứ nhất tôi đi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế vào kiểm tra tại bệnh viện. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra diễn ra nhanh chóng, không ai được ở lại lâu. Tôi về nhà và nghĩ rằng khu điều trị này sẽ còn rất nhiều điều để viết, để ghi nhận lại, đó là những nhân vật, vấn đề có thể tạo ra những tin bài chất lượng, nếu như mình chỉ đi lướt qua thì sẽ rất tiếc. Trước đó tôi có nghe nhiều y bác sỹ kể về những lần trực buổi đêm, nên rất muốn có tin bài, hình ảnh về những đêm thức trắng của các y bác sỹ".


Phóng viên Hải Long tác nghiệp tại một khu cách ly tập trung. Ảnh: NVCC

Nghĩ là làm, sau đó anh bắt đầu xây dựng ý tưởng để làm một bộ ảnh nữa ở bệnh viện này, làm sao có những bức ảnh miêu tả rõ hơn, đặc sắc và toàn diện hơn những gì diễn ra xung quanh. May mắn anh được các đồng nghiệp cùng làm báo giới thiệu đến các y bác sỹ, hỗ trợ thủ tục vào tác nghiệp và may mắn hơn nữa anh nhận được sự đồng ý của các y, bác sỹ tại bệnh viện này để được vào tác nghiệp.

Trước khi đặt chân vào bệnh viện, Hải Long được các bác sỹ dặn dò nhiều điều, đặc biệt là các đồ bảo hộ theo đúng quy trình. Anh cũng xác định ngay từ đầu khi vào khu vực này phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới tác nghiệp. Cả đêm cùng lực lượng y bác sỹ, anh tận dụng hết thời gian chụp, ở đây số lượng bệnh nhân đông, các bác sỹ liên tục ra vào, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân có bệnh nền, sức khỏe yếu. Các kíp 7, 8 bác sỹ đi đến từng giường người bệnh để hỗ trợ, chuẩn đoán, can thiệp điều trị cho từng bệnh nhân.

Một bệnh viện với nhiều bệnh nhân nặng, ở trong một thành phố có số ca tăng mỗi ngày, việc đảm bảo an toàn ở những khu vực nhạy cảm này là trên hết. Tuy nhiên cả đêm tác nghiệp khó tránh khỏi những rủi ro, mọi thứ đều không thể lường trước được, vì biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn so với biến thể trước. Nhưng trong hoàn cảnh đó, Hải Long cũng như mỗi nhà báo phóng viên ở tâm dịch thành phố chia sẻ cùng lực lượng y bác sỹ, thấu hiểu những khó khăn nguy hiểm của họ, nhất là khi họ đang bị đẩy đến giới hạn của cuộc chiến lớn này.


Gần 0h sáng, tiếng máy thở kêu liên hồi, một bệnh nhân chuyển biến xấu, các y bác sĩ gấp gáp tới phòng bệnh kiểm tra ngay. Ảnh: Hải Long - Dân Trí

Ở một góc nhìn khác, lực lượng y bác sỹ cũng nhận thấy họ không đơn độc, đội ngũ phóng viên nhà báo luôn sát cánh, cùng chia sẻ những lúc khó khăn, thiếu thốn. Đội ngũ người làm báo như cầu nối họ với công chúng đang ở phía bên ngoài, khích lệ động viên tinh thần, khơi gợi thêm lòng quyết tâm những lúc mủi lòng. Họ hiểu được rằng tất cả mọi người ở mọi miền của cả nước cũng đang đồng sức, đồng lòng cùng họ thực hiện các giải pháp đầy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm bình yên trở lại.

Qua loạt ảnh, người phóng viên bày tỏ lòng biết ơn với đội ngũ y bác sỹ tại đây, họ là những người hùng thầm lặng, bình thản ngày ngày đối diện với hiểm nguy, với khả năng nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào. Thấy được những gì diễn ra ở đây, con người ta mới trân quý những giờ phút yên bình, hạnh phúc bên người thân và gia đình.

Phóng viên Hải Long cho biết: “Giờ tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một số nhân viên y tế thấm mệt sau nhiều giờ làm việc căng thẳng, họ dựa tạm vào tường để nghỉ ngơi trong chốc lát. Hay hình ảnh bác sĩ Trần Thanh Linh, còn được gọi với cái tên bác sĩ "Linh 91" (người đã chữa bệnh cho "phi công người Anh" năm 2020), anh lặng lẽ bước đi dưới ánh đèn leo lắt dọc hành lang bệnh viện sau nhiều tiếng điều trị cho các bệnh nhân, ở ngoài trời là bóng đêm bao trùm".


Kết thúc một ca làm việc, bác sĩ Trần Thanh Linh, lặng lẽ bước đi dưới ánh đèn leo lắt dọc hành lang bệnh viện, ngoài trời là bóng đêm bao trùm. Ảnh: Hải Long - Dân Trí

Có thể nói, lực lượng y bác sỹ ở đây là những con người bình dị nhưng họ đang làm những việc lớn lao, mang trên vai trách nhiệm được Tổ quốc giao phó và nhân dân tin tưởng, là những chiến sỹ áo trắng trên mặt trận không tiếng súng. Và những người làm báo cùng với các y bác sỹ đã tạo thành sợi dây vô hình, gắn kết mọi người với nhau, tạo thành sức mạnh tổng thể đoàn kết toàn dân tộc sớm đầy lùi kẻ thù lớn- đại dịch Covid-19.
Nguyên Phong (Nhà báo & Công luận)

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO