NGHIỆP VỤ NGHIỆP VỤ

Chuyện những người lính trẻ đồn Biên phòng Tây Yên
Publish date 15/05/2023 | 09:15  | Lượt xem: 89

TTTĐ – Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những người lính đồn Biên phòng Tây Yên (tỉnh Kiên Giang) vẫn can trường, chắc tay súng canh giữ, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Người con của biển, gác bút nghiên đi nhập ngũ

Đó là chàng lính trẻ Tô Khiêm - Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang. Khiêm là một trong những thanh niên của quê biển Rạch Giá (Kiên Giang) gác lại chuyện học hành, tình nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự vào tháng 2 năm 2022.

Trước khi là chiến sĩ Đồn Biên phòng Tây Yên, Khiêm đang là sinh viên ngành công nghệ ô tô. “Đợt dịch việc học bị ngắt quãng, mình trở về về quê và đúng dịp tuyển quân. Mình xin bố mẹ bảo lưu kết quả học hành, tình nguyện đi lính nghĩa vụ” – Chàng trai nói.

Đoàn công tác Hội nhà báo Hà Nội tới thăm và làm việc với Đồn biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang

Khiêm may mắn nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình. Hơn 1 năm nhập ngũ, trải qua cái Tết nguyên đán 2023, dù đơn vị chỉ cách nhà 3km, Tô Khiêm vẫn chưa một lần về. Khi được hỏi lý do, chiến sĩ sinh năm 1999 đáp lại: “Nhà mình gần, nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện xin về phép, thấy các chú, các anh vất vả quá, vì đồn chỉ có từng đó người, mình về rồi số lượng công việc sẽ tăng lên, vì thế nên lại thôi”. Lời hồi đáp đơn giản đó nhưng chứa đựng tinh thần đầy trách nhiệm của chàng trai miền sông nước.

Nắng gió Kiên Giang làm làn da Khiêm đen sạm đi nhiều. Khiêm cho biết: Từ khi nhập ngũ, mình giảm tới 6 kg. Nhớ nhất là lần đầu mẹ thấy mình đi lính mấy tháng không về nhà, mẹ đi đò qua sông Cái Lớn thăm, sau khóa huấn luyện, thấy mình gầy đi và đen nhẻm, gặp mình, mẹ òa khóc. Lúc đó thấy thương mẹ nhiều lắm. Nhưng càng thương mẹ, càng nghĩ đến việc đã đi bộ đội phải làm thật tròn trịa nhiệm vụ quân đội nhân dân giao phó, như thế mới mang được niềm tự hào về cho cha mẹ, gia đình…

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành...

7 năm công tác tại Đồn Biên phòng Tây Yên cũng là 7 năm chiến sĩ Đinh Trung Hậu (Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang) cùng đồng đội gánh vác trên vai nhiều nhiệm vụ quan trọng, nơi đầu sóng, ngọn gió.

Chiến sĩ đồn Biên phòng Tây Yên tuần tra biên giới

Đóng quân nới địa bàn có đặc thù địa bàn có nhiều cửa sông, cửa lạch, đặc biệt có cửa sông Cái Lớn là cửa ra vào cảng cá Tắc Cậu, nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt có công suất, kích thước lớn nên trong thời gian qua tình hình chủ tàu cá, thuyền trưởng vẫn lén lút đưa tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài và thực hiện các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp khác vẫn tiếp tục diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi; bên cạnh đó tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là mặt hàng dầu vẫn diễn ra rất phức tạp…Chính vì thế nhiệm vụ của người lính trở nên rất nặng nề.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các chiến sĩ đồn Biên phòng Tây Yên còn chung tay cùng địa phương chăm lo chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thực hiện chương trình nâng bước em tới trường do Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động, tặng quà Tết cho người nghèo, thực hiện chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân Biên giới”...

Nhiệm vụ của Hậu còn thêm đấu tranh chống lại tội phạm ma túy. Phải phải đối diện với làn ranh của sự nguy hiểm, chiến sĩ chưa từng nao núng. Hậu cùng đồng đội đã nhiều lần triệt phá thành công hoạt động buôn bán ma túy trên địa bàn đóng quân.

Chiến sĩ đồn Biên phòng Tây Yên phổ biến pháp luật tới bà con nhân dân trên biển

Nhà cách đơn vị 200km, trước khi lập gia đình, đồng chí Hậu coi Đồn Biên phòng Tây Yên như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong công việc, chiến sĩ quê Gò Công Tây (Tiền Giang) luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Giờ đây, đã lập gia đình, Hậu đưa vợ và con về Kiên Giang. Nhà gần đồn hơn nhưng trung úy Hậu luôn ưu tiên hoàn thành mọi công việc trước mỗi lần được phép về thăm nhà. “Nếu sau này con mình muốn trở thành một người lính Biên phòng, mình rất sẵn lòng ủng hộ”, Hậu chia sẻ trong niềm tự hào của người lính mang quân hàm xanh.

Em phải cố gắng nhé, vì anh là lính...

Đó còn là câu chuyện rất cảm động về một chàng lính trẻ - Chiến sĩ Bùi Duy Tiến. Năm rồi, tranh thủ chuỗi ngày nghỉ phép Tiến lập gia đình ở quê Nghệ An. Dù vậy, từ khi kết hôn vào tháng 1/2023, tới nay, Tiến vẫn chưa có dịp về lại thăm nhà, thăm người vợ mới cưới. Tổng cộng, từ khi ngỏ lời yêu, đến khi làm đám cưới, 2 bạn trẻ chỉ vẻn vẹn ở bên nhau 35 ngày phép.

Đóng quân xa nhà, làm sao để cân bằng nhu cầu tình cảm gia đình và nghĩa vụ với Tổ quốc là điều không đơn giản. Nhưng may mắn, những chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Tây Yên nói chung và bản thân Thượng úy Duy Tiến luôn nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ gia đình.

 

“Vợ mình khá thiệt thòi, bà xã đang mang bầu em bé và cô ấy như vừa phải làm cha, vừa làm mẹ. Mình rất trân trọng điều này. Công tác xa nhà, mình cũng khó có thể chăm sóc bố mẹ hai bên. Tuy vậy, cả bố mẹ cùng vợ và con đều trở thành hậu phương vững chắc để mình yên tâm công tác.”, chàng lính trẻ quê Nghệ An tâm sự.

Theo phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, những năm qua, từ Thượng úy Duy Tiến, đến Trung úy Trung Hậu hay chàng lính trẻ măng Tô Khiêm cùng cán bộ, chiến sĩ tại Đồn biên phòng Tây Yên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững sự bình yên vùng quê hương, sông nước và biển cả.

Chiều 14-5, đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội do Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Tô Quang Phán làm trưởng đoàn đã đi thực tế; đến thăm, làm việc tại Đồn biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang).

Theo Trung tá Bùi Khắc Dương, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tây Yên (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang): Đồn Biên phòng Tây Yên có nhiệm vụ phụ trách, quản lý địa bàn biên phòng gồm 8 xã, phường biên giới biển thuộc 3 huyện, thành phố. Năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, tình hình an ninh trật tự trên vùng biển do đơn vị phụ trách, quản lý được giữ vững. Đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân nắm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản; cam kết không đánh bắt hải sản trái phép…

Đất nước hòa bình, nhưng ở nơi biên cương, hải đảo, bên cạnh những cột mốc chủ quyền xây dựng bằng bê tông cốt thép, còn có cả những cột mốc sống như các anh đang ngày đêm canh giữ từng phút giây yên bình quê hương, đất nước.

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO