CHÂN DUNG NHÀ BÁO CHÂN DUNG NHÀ BÁO

Những nhà báo bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch: "Không yêu nghề sẽ không thể làm được"
Publish date 09/10/2021 | 13:21  | Lượt xem: 39

(CLO) Đồng hành cùng lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, đội ngũ phóng viên nhà báo đã và đang tranh thủ từng ngày, từng giờ tác nghiệp, mang thông tin hình ảnh chân thực chính xác nhất đến công chúng.

Những y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch, họ là những người không tiếc mồ hôi, công sức và thậm chí cả tính mạng, ngày đêm “chiến đấu” giành giật sự sống, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người. Và luôn đồng hành cùng chia sẻ những khó khăn thử thách đó, đội ngũ những người báo cũng luôn sẵn sàng, xung phong vào tâm dịch để truyền tải hình ảnh chân thật nhất tới công chúng.

Báo Nhà báo và Công luận xin được chia sẻ một số tâm sự, kinh nghiệm của nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp tại tâm dịch TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam.
 

Nhà báo Trần Thuận - Báo Thanh Niên (thường trú tại Đồng Tháp):

                Tuyệt đối tuân thủ những quy định của ngành y tế

Với phóng viên chúng tôi, nếu không trực tiếp đi lấy thông tin hình ảnh ở các khu vực phong tỏa, các ổ dịch thì sẽ không có tin bài nóng để thông tin cho bạn đọc. Chúng tôi hiểu rõ những nguy hiểm nên luôn tác nghiệp vẫn phải tuân thủ những quy định của ngành y tế. Đi ra khỏi nhà tác nghiệp nếu chỉ cần sơ sẩy một chút là bản thân mình và gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đã tiêm vắc xin nhưng không vì thế mà chủ quan, ngoài các đồ phòng hộ đạt chuẩn, mỗi khi đến một khu vực nào đó cũng làm theo hướng dẫn của các y bác sỹ, tuyệt đối không bất cẩn.


Nhà báo Trần Thuận - Báo Thanh Niên, thường trú tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NVCC

Mọi máy móc thiết bị khi mang vào vùng dịch đều được khử khuẩn. Điều khó khăn với phóng viên khi mặc trên người với đầy đủ đồ bảo chặt, kín mít còn phải mang theo máy ảnh, cả máy quay thì càng khó hơn. Trong quá trình tác nghiệp dễ bị hở như cổ tay, cổ, trán hoặc virus sẽ xâm nhập vào thiết bị máy móc.

Xin vào khu vực phong tỏa đã khó để tác nghiệp trong đó còn khó khăn hơn, tôi đã đi nhiều lần đứng gần khu vực có bệnh nhân nhiễm từ năm 2020, đó là những lần tiếp nhận các bệnh nhân từ nước ngoài về, vào cả khu vực điều trị. Điều quan trọng là giữ khoảng cách, kể cả thói quen phỏng vấn đứng gần cũng phải thay đổi và áp dụng 5K.

Mỗi khi có thời gian rảnh tôi đọc sách, ăn uống điều độ, luyện tập thể thao, tăng sức đề kháng, duy trì được thể lực tốt sẽ giúp cho mình đảm bảo sức khỏe cập nhật tin bài, tránh áp lực về tin bài để dẫn đến sai lệch thông tin.

Nhà báo Hữu Khoa – Báo điện tử Dân Trí: 

            Đồng cảm và chia sẻ với sự vất vả của các y, bác sĩ

Tôi vừa có chuyến tác nghiệp trong bệnh viện Hồi sức Covid-19 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) quy mô 1.000 giường. Ở đây chuyên điều trị các ca bệnh chuyển biến nặng, nguy kịch. Có một số bệnh viện cho phóng viên vào nhưng phải đứng xa, hoặc chỉ cho chụp ở ngoài hành lang qua cửa kính, không được vào phía trong. Nên đây là cơ hội tốt để tôi xây dựng phóng sự ảnh.

Để vào được một khu vực điều trị bệnh nhân là điều rất khó khăn, ngoài mối quan hệ quen biết từ trước cũng phải xin phép và làm thủ tục khá kỹ lưỡng, có giấy xét nghiệm âm tính ngày gần nhất, khai báo y tế, đo thân nhiệt… Đặc biệt khi vào khu vực có bệnh nhân dương tính thì bắt buộc sử dụng các đồ bảo hộ chuyên dụng của ngành y tế.


Nhà báo Hữu Khoa – Báo điện tử Dân Trí. Ảnh: NVCC

Các bác sĩ cũng hướng dẫn việc đi lại ra sao, giữ khoảng cách, sử dụng thiết bị sao cho hợp lý. Mỗi khi ra vào phòng chăm sóc bệnh nhân đều phải khử khuẩn như thế nào. Hạn chế đứng gần bệnh nhân, tiếp xúc với gường, thiết bị trong phòng, kể cả các bác sĩ. Chứng kiến những cảnh các y bác sĩ tranh thủ từng giây để cứu bệnh nhân, cho bệnh nhân thở lại, tôi mới thấy cuộc chiến này rất cam go. 

Đầu tiên tôi vào khu bệnh viện tác nghiệp cũng lo lắng, vì đang ở cùng con nhỏ, vợ, bố mẹ. Tôi đã chứng kiến và tham gia nhiều sự kiện, làm chủ nhiều sự kiện để có nhiều bức ảnh cho riêng mình, nhưng lần này thì khác. Mặc dù trước lúc vào tôi cũng mường tượng phải đi đứng, giữ khoảng cách như thế nào. Nhưng khi bước vào phòng có bệnh nhân nặng tôi như bị cuốn theo công việc của các y bác sĩ. Họ làm việc nhịp nhàng, khẩn trương, tranh thủ thời gian ít ỏi để cứu chữa từng người. Đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt với số lượng bệnh nhân nhiều như vậy. Tôi thấy đây là cuộc chiến chống kẻ thù vô hình, không nhìn thấy được nên thực sự rất khốc liệt.

Tác nghiệp xong, tôi đã đi khai báo y tế và tự đi cách ly, không trở về nhà. Sau chuyến tác nghiệp ấy, tôi có được một phóng sự ảnh đươc đánh giá cao. Tôi muốn cho bạn đọc thấy được sự vất vả của các y bác sĩ tuyến đầu họ phải đối mặt với hiểm nguy, đưa bệnh nhân qua cơn nguy kịch như thế nào, sự cố gắng của các y bác sĩ ra sao. Từ đó, cho mọi người thấy được vi-rút ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như thế nào.  Đồng thời, cố gắng để phòng tránh, hạn chế ra đường, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mình.

Nhà báo Duy Anh - Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp: 

Không yêu nghề sẽ không thể làm được

Trong hơn 2 năm nay tôi vẫn duy trì lượng tin bài mang tính thời sự về dịch bệnh covid-19. Khó khăn nảy sinh là trong thời gian giãn cách nên rất khó tiếp xúc được với những khu vực đang phong tỏa cũng như nhân vật. Trong khi đó, truyền hình thì cần phải có hình, gọi điện thoại lãnh đạo, y bác sĩ họ thường rất bận trong thời gian này.

Khi đi tác nghiệp ở các vùng phong tỏa thì nguy cơ lây cao, không biết trước được điều gì, nhưng muốn hình ảnh đẹp, hấp dẫn vẫn phải đi, phải đến.


Nhà báo Duy Anh - Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. Ảnh: NVCC

Thường phóng viên tác nghiệp xong sẽ ở lại để sản xuất tin bài luôn, hoặc ra quán cafe sản xuất có hình ảnh thời sự gửi về cơ quan. Nhưng mùa dịch thì khó khăn hơn, tác nghiệp xong về nhà thì xa, về cơ quan cũng không được vì quy định không tập trung đông người.

Tác nghiệp mùa dịch, nếu không yêu nghề sẽ không thể làm được, vì nếu chỉ ở nhà để gọi điện phỏng vấn thông tin sẽ không đầy đủ, hình ảnh xin đồng nghiệp hay người này người khác, nhưng như thế thì tất cả thông tin không có gì đặc sắc.

Máu nghề vẫn thôi thúc người phóng viên chúng tôi đi ra hiện trường, khai thác những vấn đề khó khăn tồn tại, những tấm gương, việc làm tử tế trong mùa dịch. Chúng tôi vẫn cho rằng, cần khai thác những thông tin riêng mang bản sắc của mình. Mỗi người sẽ có một nhiệm vụ nhưng chỉ có một mục đích cuối cùng là đấu tranh để chiến thắng dịch bệnh.

Nhà báo Lê Ánh - Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh:

                        Săn đề tài hấp dẫn trong mùa dịch

Tôi luôn duy trì thông tin hàng ngày, hàng giờ, đầu tiên phải cập nhật thông tin từ các website, cổng thông tin của các cơ quan ngành y tế, các cấp chính quyền… Nắm rõ số lượng ca nhiễm và chỉ đạo ở tỉnh, thành phố địa phương như thế nào. Tuy nhiên để mở rộng thông tin hay tìm những nội dung mới thì phải gọi điện hỏi trực tiếp lãnh đạo các đơn vị.


Nhà báo Lê Ánh - Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (thường trú Bình Dương) tác nghiệp tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, muốn có tin nóng và sâu rộng hơn nữa ở nhiều địa phương thì phải xây dựng hệ thống cộng tác viên, tận dụng nguồn tin từ bệnh viện, lực lượng công an, các lực lượng tham gia phòng chống dịch...tất cả đều phải tận dụng những mối quan hệ riêng.

Để có đề tài mới, chỉ cần một chi tiết nhỏ mình có thể mở rộng khai thác thêm để nội dung đề tài có tính bao quát, rộng khắp hơn. Theo tôi, khi dịch bệnh đang ở mức độ căng thẳng thì mọi khu vực tác nghiệp đều có nguy cơ cao hơn, mọi sinh hoạt đều cẩn trọng. Mình làm báo đã trải qua nhiều, thường tâm thế không bất ngờ, nhưng tuyết đối không lờ là, chủ quan, mọi tình huống đều có thể xảy ra. Tôi cho rằng, mùa dịch sẽ tạo ra thử thách, tạo ra kinh nghiệm cho mỗi phóng viên trẻ, đồng thời cũng góp phần phát triển các kỹ năng cho hành trang sau này.

Lê Tâm (Nhà báo & Công luận)

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO