CHÂN DUNG NHÀ BÁO CHÂN DUNG NHÀ BÁO

Phóng viên ảnh Hữu Khoa và những ngày “xung trận” trong bệnh viện dã chiến
Publish date 09/10/2021 | 12:48  | Lượt xem: 48

(NB&CL) Vừa chuyển từ báo điện tử Vnexpress sang báo điện tử Dân trí, Hữu Khoa đã “chào hàng” bằng một loạt phóng sự đặc sắc trong “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh rất ấn tượng.

Mỗi phóng sự là mỗi câu chuyện về tinh thần làm việc trách nhiệm, là sự vất vả, dấn thân của người làm nghề. Thuyết phục mãi Khoa mới nhận lời trò chuyện bởi Khoa thành thật rằng, đó là công việc, là nhiệm vụ, là nghề, không có gì đáng kể, nhiều đồng nghiệp của anh cũng đang ngày đêm tác nghiệp không kém hiểm nguy.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một bệnh nhân đang rơi vào nguy kịch

Những tác phẩm như: “Bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường ở TP.HCM”, “Gặp mặt, trò chuyện trực tiếp với hàng trăm F0”, “Hành trình “F0 điều trị F0” bên trong Bệnh viện dã chiến”... của phóng viên Hữu Khoa, Báo điện tử Dân trí  có thể khiến công chúng hình dung được một phần “cuộc chiến khốc liệt” mà ở đó những người y bác sĩ đã phải nỗ lực rất lớn để cứu chữa bệnh nhân Covid-19 thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Tác giả những phóng sự ấy, ngay khi nhận nhiệm vụ của cơ quan giao, được sự hỗ trợ và động viên của BBT báo Dân Trí đã “bắt nhịp” với hành trình tác nghiệp nhiều ngày trong tâm dịch, đặc biệt là trong các bệnh viện dã chiến.

Không hề nghĩ quá nhiều ngoài việc chuẩn bị bảo hộ cẩn thận để tránh tối đa lây nhiễm, Hữu Khoa cũng coi đó như một dịp thử thách khả năng trong môi trường làm việc không bình thường.

Thực ra, Khoa vốn là một phóng viên ảnh xông xáo, năng động, bao nhiêu năm làm nghề cũng là bấy nhiêu năm Khoa lựa chọn cho mình một cách làm ảnh rất riêng, góc máy cá tính và không ngại dấn thân vào các sự kiện như bão lũ, sạt lở,...

Nhưng lần này, khi hỏi về tâm trạng tác nghiệp Khoa nói rằng, nó khác biệt so với bất cứ một cuộc tác nghiệp nào trong bao nhiêu năm qua. Bởi dù đã là phóng viên quen với “điểm nóng” nhưng trước đây đều là những nơi có thể hình dung, thậm chí đoán biết được sự việc xảy ra như thế nào để có cách phòng tránh. Nhưng khi tác nghiệp ở trong môi trường mà dịch bệnh nguy hiểm, Covid-19 như một kẻ thù vô hình, thì quả thực... không biết đâu mà lần.


PV Hữu Khoa - Báo Dân trí.

Hữu Khoa chia sẻ thêm rằng, khi vào các bệnh viện tác nghiệp, phóng viên phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của đội ngũ y bác sĩ từng chi tiết nhỏ từ mang quần áo bảo hộ, mang giày mang tất, mang găng tay như thế nào,… được chỉ dẫn khu vực nào có thể vào, có thể tiếp xúc như thế nào và phải phỏng vấn ra sao để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh...

“Ngồi kể lại thì có vẻ dễ dàng vậy thôi chứ khi “xung trận” cũng không ít căng thẳng. Như chuyến tác nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường thực sự vẫn còn làm tôi nhớ mãi. Đây là nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân bị Covid ở giai đoạn nguy kịch. Nói thực là ở nhà tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế tác chiến, cũng được trang bị bảo hộ rất cẩn thận từ các bác sĩ rồi nhưng ngay khi bước vào phòng hồi sức cấp cứu thì tôi cảm thấy hoang mang và lo lắng vô cùng.

Bởi lẽ chỉ vừa tới cửa phòng cấp cứu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một bệnh nhân đang rơi vào nguy kịch, có tới khoảng chừng mười bác sĩ, nhân viên y tế đang cố gắng chạy đua với thời gian để cấp cứu khi người này đang có diễn tiến bệnh quá nặng.

Lúc đó, nói thật là trong đầu như trống rỗng, hoảng quá đến nỗi không biết phải chụp cái gì nữa. Bệnh nhân thì đang ở một lằn ranh sinh tử, các bác sĩ đang tập trung cao độ giữ mạng sống cho người bệnh... Tôi chỉ biết giơ máy ảnh lên bấm đại liên tục, cho đến khoảng năm phút sau mới lấy lại được bình tĩnh và mới biết là mình phải chụp như thế nào...” - nhà báo Hữu Khoa tâm sự.

Họ làm việc như đang chạy...

Quan sát kỹ và linh hoạt xử lý... là những kỹ năng mà phóng viên ảnh cần có khi tác nghiệp tâm dịch mà Khoa đã đúc kết được khi làm việc nhiều ngày qua. Cũng nhờ vậy mà những phóng sự ảnh mà Khoa chụp tại bệnh viện đều có chất lượng tốt, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ngoài ra, tận dụng thời gian “được có mặt tại điểm nóng đặc biệt này” phóng viên cũng dành thời gian trò chuyện phỏng vấn nhân vật hay. Đề tài bác sĩ chế tạo ra bình ô xy có nhiều sợi dây thở trong chuyến tác nghiệp tại Bệnh viện tầng 3 điều trị Covid là một ví dụ.

Khoa kể lại: “Trong lúc tôi đang tranh thủ ngồi làm bài gửi về tòa soạn thì đột nhiên nhìn thấy một bác sĩ cầm bình ô-xy đi vào. Tôi thấy lạ ở chỗ bình thường bình ô-xy chỉ có một ống thở cho một bệnh nhân thôi nhưng vị bác sĩ này lại cầm bình ô-xy có nhiều ống thở như vậy.

Tò mò tôi mới đến hỏi và “bắt” được câu chuyện ấy. Vì số lượng bệnh nhân điều trị tại đây quá lớn, nhu cầu cần thở ô-xy của họ rất nhiều, một phòng mười bệnh nhân thì cần mười bình ô-xy để phục vụ, đồng nghĩa với việc sẽ tốn nhân lực vận chuyển bình ô-xy lên, thứ nữa là mười bình để trong một phòng thì rất chật hẹp. 

Từ thực tế đó, vị bác sĩ đã nghĩ ra giải pháp “bình ô-xy mười ống thở” nhờ việc quan sát các bình ô-xy với trọng lượng khác nhau từ các hồ cá. Sáng kiến hay ấy đã đóng góp lớn cho quá trình điều trị bệnh nhân, góp phần giảm tải nguồn nhân lực phục vụ mà trong khi đó bệnh nhân vẫn được cung cấp ô-xy kịp thời. 

Tôi thấy đây là một đề tài hay và nhiệm vụ của người làm báo là phải đem thông tin này đến với bạn đọc, từ đó mong muốn sẽ là kinh nghiệm thực tiễn cho các bệnh viện khác có thể áp dụng vào để phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.


Hữu Khoa theo chân các bác sĩ trong bệnh điều trị các F0.

Đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, Hữu Khoa tác nghiệp ở các bệnh viện dã chiến, những điểm tiêm vắc-xin, những nơi lấy mẫu rồi đi theo các lực lượng tuyến đầu để phục vụ trong công tác phòng, chống dịch, thậm chí cả những người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người vô gia cư bị ảnh hưởng bởi đại dịch này... cũng là những hình ảnh đắt giá được phóng viên ghi nhận.

Hỏi về những ấn tượng khi đi, làm việc và cảm nhận, Hữu Khoa thành thật rằng, có quá nhiều cảm xúc trước những người anh được gặp, khiến cho anh đôi lúc quên đi những nhọc nhằn của nghề phóng viên ảnh. Đặc biệt là hình ảnh lực lượng tuyến đầu như đội ngũ y bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ. Bên ngoài khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 mọi người ai ở yên đấy, ngoài đường vắng vẻ, tĩnh lặng nhưng trong các bệnh viện dã chiến lúc nào cũng gấp rút, các bác sĩ đa phần làm việc mà như chạy chứ không đi bình thường. Bởi vì bệnh nhân quá nhiều mà lực lượng của chúng ta thì có giới hạn.   

Có những buổi tác nghiệp về mà lòng tôi trĩu nặng, tôi như bị ám ảnh tiếng bước chân của các y bác sĩ lúc họ chạy dồn dập cứu người... Họ ở trong bệnh viện suốt thời gian dài, bỏ lại sau lưng gia đình, người thân để tham gia vào công tác phòng, chống dịch, túc trực ngày đêm, theo dõi, giúp đỡ bệnh nhân. Có nhiều y bác sĩ họ làm việc rồi bị lây nhiễm nhưng nhiều người không dám nói cho người thân, tình nguyện tham gia đăng ký vừa điều trị vừa phục vụ những bệnh nhân dương tính khác...

Chứng kiến sự hy sinh của y bác sĩ, tôi lại thấy mình nhỏ bé. Thế nên, mặc dù Ban Biên tập có lo lắng, vì môi trường nguy hiểm quá nên không yêu cầu anh em ban Media phải xông pha, được phép làm những đề tài nhỏ lẻ để bảo vệ sức khỏe là chính.

Nhưng là người làm nghề, khi có thể tiếp cận được với sự kiện, thấy những hình ảnh xúc động đó lại mong muốn được truyền tải tới công chúng, bạn đọc với thông điệp hãy chấp hành nghiêm túc việc phòng dịch, giảm tải số lượng bệnh nhân bị nhiễm để đội ngũ y tế đỡ áp lực, họ đã quá rất vất vả rồi. Mong người dân mình cùng chung tay vượt qua đại dịch này để mọi người sớm được ra viện và đội ngũ y bác sĩ được trở về tổ ấm của họ với những bữa cơm gia đình ấm cúng...” - Hữu Khoa chia sẻ.

Vân Hà (Nhà báo & Công luận)

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO