CHÂN DUNG NHÀ BÁO CHÂN DUNG NHÀ BÁO

Wilfred Burchett - một cuộc đời làm báo chân chính, không quản hiểm nguy để đi tìm sự thật
Publish date 09/10/2021 | 14:18  | Lượt xem: 55

(CLO) Với Việt Nam, hai từ Bớc-sét (Burchett) trở nên thân thương như tên một người bạn, một người “đồng chí chiến đấu của Việt Nam”.

Wilfred Burchett là nhà báo nổi tiếng người Australia. Ông xông pha trong Thế chiến II, từng có mặt ở Đức để viết về thảm cảnh dưới thời Đức Quốc xã; là phóng viên phương Tây đầu tiên đặt chân tới Hiroshima khi thảm họa nguyên tử diễn ra ở nơi này... Với Việt Nam, hai từ Bớc-sét (Burchett) trở nên thân thương như tên một người bạn, một người “đồng chí chiến đấu của Việt Nam”.


Nhà báo Wilfred Burchett làm việc tại đại bản doanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên, tháng 3.1954 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Việt Nam - Những ấn tượng ban đầu

Năm 1954, trên đường đi Geneva dự Hội nghị chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và Triều Tiên, Wilfred Burchett đã đến chiến khu Việt Bắc và trở thành phóng viên phương Tây đầu tiên đưa tin về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại bản doanh của Người và cuộc gặp để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhất là lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong cuộc đời làm báo của ông và mở đầu một thời kỳ lao động nghề nghiệp sôi nổi, đầy hứng khởi và sự ra đời nhiều tác phẩm hay nhất của một nhà báo vốn đã nổi tiếng từ trước. Wilfred Burchett đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết sách đặc tả chân thực các giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập, tiến lên chủ nghĩa xã hội và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Ông đã có tám đầu sách về Việt Nam. Các tác phẩm đó đều được bạn đọc thế giới hết sức ưa chuộng. Các ấn phẩm sách, báo và phim về Việt Nam của ông đã được độc giả khắp thế giới tìm kiếm và có sức ảnh hưởng lớn đến dư luận thế giới về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, làm dấy lên phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa này. 

Khi đế quốc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, Wilfred Burchett đã có nhiều bài viết chân thực, báo động cho dư luận và gửi cho nhiều tờ báo trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, nhiều tờ báo lớn tại Mỹ, trong đó có hãng Thông tấn AP lại gán cho ông cái mác: "Nhà báo cộng sản" và khuyên bạn đọc cần "cảnh giác" khi tiếp nhận những thông tin ông đưa ra. Mọi thư từ của ông trao đổi với các bạn đồng nghiệp Mỹ đều bị CIA kiểm soát gắt gao.


Một số tác phẩm của Nhà báo Wilfred Burchett viết về cuộc chiến tranh tại Việt Nam (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam).

Nhà báo Phan Quang trong bài viết: "Luôn luôn có mặt ở điểm nóng" đăng trên Tạp chí Người làm báo, số 2 năm 1985 có nhận xét về nhà báo Wilfred Burchett : "Ông được các bạn đồng nghiệp trên thế giới coi là một người chứng của nhiều sự kiện quốc tế trọng đại gần nửa thế kỷ qua" và với Việt Nam: "Tên tuổi U. Bơ sét không xa lạ với người đọc Việt Nam. Đối với nhiều nhà báo chúng ta, ông không chỉ là một đồng nghiệp lớn, đầy nhiệt tình cách mạng và giàu kinh nghiệm báo chí mà còn là một người bạn thân tình". Nhà báo Phan Quang cho biết thêm, nhà báo Wilfred Burchett "là người đầu tiên đi trên đường mòn Hồ Chí Minh và thăm các vùng giải phóng ở Nam Bộ trong thời gian cả nước ta sục sôi đánh Mỹ".

Nhà báo "luôn có mặt tại những điểm nóng"

Những năm 1963-1964, Wilfred Burchett tiếp tục có mặt tại miền Nam. Ông gắn bó với vùng căn cứ kháng chiến và có cái nhìn khách quan, trực diện về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Đều đó đã giúp các bài báo, sách và phim của ông về Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến dư luận thế giới, góp phần làm dấy lên phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa này.

 "...Những năm chống Mỹ, Bớc-sét vào miền Nam nước ta trong bộ bà ba đen, cổ quàng khăn rằn, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép lốp. Ông đi xe đạp trên đường Củ Chi cùng với nữ nhà báo Pháp Ma-đơ-len Ríp-phô cũng áo bà ba, nón lá, khăn rằn… Những con lộ 15, đường An Nhơn, vùng Xóm Thuốc, Gót Chàng… xanh tươi hồi đó đã in dép lốp của Bớc-sét..." (Nhà báo Trần Thanh Phương).


Nhà báo Wilfred Burchett đội nón lá, bên cạnh chiếc xe đạp là phương tiện đi lại trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Ông là một trong số ít những phóng viên phương Tây gắn bó với nhân dân Việt Nam trong suốt trong hai cuộc kháng chiến: "Người đã tình nguyện nhảy vào lửa để tìm ra sự thật. Khi miền nam Việt Nam còn chìm trong hỗn loạn, khi đất nước còn rung chuyển dưới gót giày bọn xâm lược và tay sai của chúng, Bớc-xét đã xin phép Bác Hồ để được vào Nam" (Trích bài viết: Người Ðồng chí Chiến đấu của Việt Nam đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 02/10/1983 của Nhà báo Thép Mới).

Nói về công việc của mình đang làm, trong bức thư gửi cho các con ngày 03/01/1964, Nhà báo Wilfred Burchett viết: "... Cha đang làm việc vì một sự nghiệp rất vẻ vang. Giúp đỡ nhân dân miền Nam Việt Nam bảo vệ đất nước của họ và đánh tan bọn đế quốc Mỹ, những kẻ đang cố chiếm lấy miền Nam rồi xâm lăng miền Bắc Việt Nam. Như các con đã biết, nhân dân Việt Nam là những người bạn rất thân thiết của chúng ta. Họ là những người rất tử tế, đều yêu quý cha và mẹ cùng ba đứa các con, rất nhiều đấy. Và chúng ta cũng yêu quý họ. Cho nên cha phải đến đó để viết các bài báo và một cuốn sách lớn nữa để mọi người trên khắp thế giới biết tại Mỹ xấu xa thế nào và tại sao tất cả mọi người đều nên giúp nhân dân miền Nam Việt Nam và chấm dứt chiến tranh. Tất nhiên là ở đây ai cũng mong muốn hòa bình. Mọi người, các bà mẹ, ông bố và trẻ con đều đang phải chịu đựng gian khổ rất nhiều vì cuộc chiến tranh tàn khốc này. Mà chỉ khi nào người Mỹ bị buộc phải rời bỏ Nam Việt Nam, đem hết súng ống và máy bay của họ đi khỏi đó, thì mới có hòa bình. Đấy, cha đang viết về chuyện ấy và mẹ sẽ cho các con biết những bài viết của cha đang được xuất bản ở những nước nào trên thế giới.

Cha rất tự hào là người bạn ngoại quốc đầu tiên đến thăm các bạn đang chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của họ, quê hương và gia đình của họ ở miền Nam Việt Nam. Đây là một công việc vinh quang. Khi lớn lên, các con cũng sẽ thấy tự hào về việc này. Nhưng để tự hào về cha, có nghĩa là các con cũng phải dũng cảm và kiên nhẫn, đừng lúc nào cũng nhắc cha phải nhanh về nhà nhé".

Trong hành trình này, đã để lại trong ông nhiều ấn tượng khó quên. Đó là những chuỗi ngày phải đi bộ rất nhiều trong rừng núi và mất rất nhiều thời gian thì ông mới tới được địa điểm mình cần đến. Ở tuổi ngoại ngũ tuần, ông vẫn xông pha trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đeo ba lô, lội nước như người bản địa. Nhà văn Thép Mới kể lại, khi nghe ông nài nỉ về nguyện vọng được vào chiến trường miền Nam, Bác Hồ nói: "Nếu muốn vào Nam thì phải tập leo núi với chiếc ba lô đựng đầy gạch". Thế là Burchett trở về Bulgaria - quê hương của vợ ông, chất nặng ba lô và luyện tập trên những triền núi Balkan dốc ngược.

Những thước phim tư liệu quý giá mà ông quay về vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam được nhiều kênh truyền hình trên thế giới phát. Hay như tập phóng sự lớn của ông về miền Nam Việt Nam có tên: Việt Nam - Câu chuyện từ bên trong của chiến tranh du kích, xuất bản năm 1965 được nhà xuất bản Galima dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp và phát hành cùng năm với tựa đề Cuộc kháng chiến thứ hai - Việt Nam 1965 là một tác phẩm chân thực, sinh động, có sức thuyết phục lớn đối với độc giả nước ngoài. Đây được coi là cẩm nang không thể thiếu cho bất kỳ người nước ngoài nào muốn nghiên cứu về Việt Nam lúc đó và ngay cả bây giờ.


Nhà báo Wilfred Burchett và Nhà báo Madeleine Riffaud phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 20/12/1964 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam).

Gọi Wilfred Burchett là nhà báo "luôn có mặt tại những điểm nóng" bởi vì cuộc đời làm báo của ông luôn gắn liền với cụm từ "đi tìm sự thật". Sau khi từ vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam ra Bắc, Wilfred Burchett lại có mặt tại Pháp để theo dõi cuộc đấu tranh của ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Ông còn nhiều lần trở lại Việt Nam, nơi mà ông gắn bó phần nhiều thời gian làm báo trong cuộc đời của mình để ủng hộ một cách không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc một cách chính nghĩa.

Năm 1979, mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn có mặt tại Campuchia ghi chép, tìm hiểu thực tế sự thảm khốc của chiến tranh để làm một cuốn sách về Đông Dương. Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó đang tác nghiệp tại đây, có dịp gặp gỡ Wilfred Burchett, cho biết: "Tôi nhớ mãi câu nói của ông về chế độ Pôn Pốt khi ông giơ hai tay lên trời: Terrible! Terrible! (Khủng khiếp! Khủng khiếp!).

Sau đó, nhà báo Trần Mai Hưởng biết tin đoàn làm việc của nhà báo Wilfred Burchett bị quân Pôn Pốt phục kích, người lái xe Việt Nam mặc dù trúng đạn nhưng vẫn dũng cảm chịu đựng để lái xe chạy thẳng, đưa đoàn qua vòng hiểm nguy, cứu sống nhà báo Wilfred Burchett. Sau đó, Burchett đã viết về câu chuyện đó và tấm gương của người lái xe Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế ca ngợi.

Năm 1983, nhà báo Wilfred Burchett được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì những cống hiến xuất sắc của ông cho cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Ông qua đời ngày 26 tháng 9 năm 1983 tại Sofia, Bulgaria.

Nhà báo Wilfred Burchett là người bạn lớn, là người ủng hộ hết mình đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Ông cũng là người bạn thân thiết của nhiều lãnh đạo Việt Nam. Trong cuộc đời làm báo chân chính, không quản khó khăn, hiểm nguy để đi tìm sự thật, ông được coi là tấm gương sáng cho các nhà báo thế hệ sau noi theo.

Nguyễn Ba (Nhà báo & Công luận)

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO