CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO

Cái duyên nghề báo
Publish date 19/06/2023 | 09:26  | Lượt xem: 73

Luôn tâm niệm rằng mình là người cựu chiến binh làm báo Đảng, mỗi điều viết ra phải bảo đảm tính chân thật, khách quan, có tính phát hiện, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, cổ vũ tinh thần yêu nước, phù hợp với giá trị cao đẹp của thời đại, vì thế tôi thường chú ý đến mảng nhân vật và sự kiện lịch sử. Thực tế cho thấy, dường như tôi có duyên, có nợ với mảng đề tài này.

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/Uploads/images/trungtruc/2023/06/15/o-luc.jpg

Đại tướng Nguyễn Quyết là một độc giả thường xuyên của Báo Hànộimới. Ảnh: Việt Dương

Tháng 1-2000, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí dành những ngày chủ nhật đầu tiên trên cương vị mới để xuống cơ sở tìm hiểu, nắm bắt tình hình.

Một sáng chủ nhật đẹp trời đầu năm 2000, tôi về thăm mấy người bạn ở Từ Liêm. Gặp tôi, một cán bộ Công an huyện bảo: “Hôm nay Bí thư Thành ủy về làm việc với huyện, anh về viết bài phải không?”. Tôi bám theo đoàn luôn. Hôm ấy đồng chí đi thăm làng hoa Tây Tựu, thăm Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm, gặp gỡ nói chuyện với người lao động... Đến đâu đồng chí cũng niềm nở thăm hỏi, thái độ ân cần, thân mật như người nhà, khiến bà con rất cảm động. Hôm sau, báo đăng bài tường thuật chuyến về thăm, làm việc của Bí thư Thành ủy ở Từ Liêm. Buổi chiều, Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Trình bảo tôi: “Anh Trọng khen bài của chú”.

Cũng nhờ có quan hệ rộng, thân tình với nhiều người, tôi có cơ hội gặp nhiều nhân vật lịch sử và tiếp xúc với những tư liệu, những thông tin ít thấy trên truyền thông. Năm 2013, Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc thuộc Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên/2 bên Trung ương tại Trại Davis Sài Gòn cho tôi biết tên và số điện thoại của hai người chiến sĩ đã cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh Tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9h30 sáng ngày 30-4-1975. Một người là ông Phạm Văn Lãi sống ở Hà Nội thì nhiều người đã biết. Người thứ hai là ông Nguyễn Văn Cẩn, đã ra quân năm 1976, hiện sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì chưa bao giờ xuất hiện trên truyền thông.

Qua số điện thoại, tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Cẩn, hỏi tỉ mỉ, chi tiết về thông tin cá nhân, hướng dẫn ông nhờ người chụp ảnh và gửi ra cho tôi. Trong ngày 13 và 14-4-2013, Báo Hànộimới đăng loạt bài “Gặp những người cắm cờ giải phóng ngày 30-4”, phần 2 nói về “lão ngư phủ” Nguyễn Văn Cẩn. Sau đó tôi có dịp vào Bà Rịa - Vũng Tàu, đến thăm anh. Gặp tôi, Tám Cẩn rất hồ hởi, ngạc nhiên: “Sao anh nhà báo mà giản dị vậy. Sau khi Báo Hànộimới đăng bài anh viết về em, rất nhiều báo đăng lại, em tiếp khách suốt ngày. Đoàn nhà báo nào về cũng đông, máy móc kềnh càng, dàn cảnh quay phim dữ quá”. Điều thú vị nho nhỏ là nhiều báo viết về Tám Cẩn đã dùng từ “lão ngư phủ” đăng lần đầu trên Báo Hànộimới.

Tháng 8-2014, tôi được đi cùng gia đình bà Thái Tiên, lão thành cách mạng, đến mừng thọ Đại tướng Nguyễn Quyết. Bà Thái Tiên là vợ ông Thái Hy, một trong những người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Tuyên truyền Xung phong Thành Hoàng Diệu, hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô. Lần đầu tiên được gặp vị “khai quốc công thần”, người Bí thư Thành ủy ở tuổi 23 đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi ở Thủ đô, tôi không khỏi xúc động trước tác phong giản dị và trí tuệ mẫn tiệp của vị tướng đã ngoài 90 tuổi. Tôi thưa: “Cháu là cựu chiến binh, là lính của bác, cháu làm báo Hànộimới, xin phép được nói chuyện với bác về Cách mạng Tháng Tám để viết bài”. Được ông đồng ý, hôm ấy tôi có tư liệu viết bài. Ngày 1-9-2014, bài báo “Người chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội” đăng trên báo nhà, tôi mang báo đến biếu Đại tướng. Đọc xong, ông rất vui, nói: “Tôi vốn không thích tiếp xúc với báo chí, nhưng gặp đồng chí, tôi đã thay đổi quan niệm”.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại được đến với ông, có gì mới, tôi lại viết. Vui nhất là sau khi bài “Ngẫm nghĩ trước cánh cổng sắt cũ kĩ” đăng báo Lao Động Cuối tuần ngày 29-8-2021, Thành ủy Hà Nội đã cho sửa sang, tu bổ lại căn nhà đã xuống cấp của ông. Đó là biểu hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” rất đáng trân trọng của lãnh đạo thành phố...

Còn có rất nhiều, rất nhiều kỷ niệm nữa trong suốt cuộc đời làm báo của tôi, những kỷ niệm ấy, mỗi khi nhớ lại, chúng luôn khiến tôi cảm thấy tự hào khi nhớ lại một giai đoạn làm báo đầy vất vả mà vinh quang.

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO