GIÁO DỤC - Y TẾ GIÁO DỤC - Y TẾ

Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh nặng nề như khủng hoảng tài chính
Publish date 20/11/2024 | 14:26  | Lượt xem: 7

Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương hậu quả khủng hoảng tài chính.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc”, diễn ra ngày 20-11 tại Hà Nội.

Năm nay, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển trên thế giới tổ chức Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc từ ngày 18 đến 24-11 với chủ đề “Cùng nhau ngăn chặn kháng thuốc”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố, kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.

thu-truong-tran-van-thuan-ngay-20-11.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị.

Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc 2013-2020. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam cũng là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc.

Tuy nhiên, kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua.

“Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy, từ dữ liệu kháng sinh đồ, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

cam-ket-phong-chong-khang-thuoc.jpg

Cam kết chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Tiến sĩ Angela Pratt, đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.

“Để đạt được tiến bộ, đặc biệt là về sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý, đòi hỏi nỗ lực thống nhất từ các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực tư nhân, nông dân và quan trọng nhất là mỗi người dân ở Việt Nam. Trong công cuộc quan trọng này, WHO và các đối tác khác sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam”, Tiến sĩ Pratt chia sẻ.

Mới đây, Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1121/QĐ-TTg ngày 25-9-2023. Chiến lược ban hành chính là sự cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc, tăng cường sự chủ động tham gia và phối hợp giữa các ngành từ trung ương đến địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực sức khỏe con người, thú y, môi trường.

Để đạt được mục tiêu chiến lược đưa ra trong giai đoạn tới, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển trên thế giới đã ký kết biên bản thỏa thuận đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam. Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.