GIÁO DỤC - Y TẾ GIÁO DỤC - Y TẾ

Hơn 5 triệu ca tử vong do kháng kháng sinh
Publish date 20/11/2024 | 14:24  | Lượt xem: 4

Khảo sát mới nhất do Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO châu Âu) công bố nêu bật cảnh báo về tình trạng sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát tại 14 quốc gia thành viên.

Trong thông báo ngày 23-11 (giờ địa phương), WHO châu Âu đề cập đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hàng đầu, là nguyên nhân dẫn đến hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó, hơn 500.000 ca được ghi nhận tại châu Âu.

Theo Tân Hoa xã, khảo sát được công bố trên Tạp chí Frontiers, có sự tham gia của 8.221 người tại 14 quốc gia ở Tây Balkan, Caucasus và Trung Á. Kết quả cho thấy, một phần đáng kể dân số ở những quốc gia này có thể mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc.

Cũng theo khảo sát, dù không có hiệu quả nhưng 67% thuốc kháng sinh vẫn được kê đơn hoặc sử dụng để điều trị các bệnh do nhiễm vi rút như cảm lạnh và cúm. Đáng báo động, chỉ 37% số người được hỏi cho biết đã nhận được thông tin về việc tránh sử dụng kháng sinh khi không cần thiết.

Lỗ hổng kiến ​​thức cũng là vấn đề đáng lo ngại khi chỉ 16% trả lời đúng tất cả những câu hỏi liên quan đến nhận thức về kháng sinh.

plp6ogyrhzpyfljddicxc5bzh4.jpg

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Ảnh: Reuters

Giám đốc Bệnh truyền nhiễm, Môi trường và Sức khỏe của WHO châu Âu Robb Butler nhấn mạnh sự cần thiết về giáo dục và tầm quan trọng đối với việc thực thi các quy định hiện hành để hạn chế lạm dụng kháng sinh.

“Tất cả các quốc gia trong khu vực của chúng tôi đều có quy định ngăn tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh quý giá, chẳng hạn như ngăn chặn việc bán thuốc không kê đơn. Việc thực thi các quy định này sẽ giải quyết hầu hết việc lạm dụng thuốc kháng sinh”, ông Robb Butler nói.

Nếu không có biện pháp can thiệp ngay lập tức, WHO châu Âu cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh thể gây ra tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050, ảnh hưởng nặng nề đến các nước thu nhập thấp và trung bình, cũng như làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu.