HÀ NỘI VĂN HIẾN
Đình Phả Trúc Lâm tọa lạc tại địa chỉ 40 phố Hàng Hành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thờ tổ nghề da giày do những người thợ ở làng nghề gốc Trúc Lâm (xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) di cư tới Thăng Long - Hà Nội lập nên.
Chữ “phả” trong tên Phả Trúc Lâm mang ý nghĩa là “gốc”, còn Trúc Lâm là tên làng, nơi có nhiều thế hệ thợ da giày nổi tiếng. Ngôi làng này có tên Nôm là làng Trắm hay Phong Lâm, Tam Lâm...
Đình Phả Trúc Lâm là nơi thờ các vị tổ nghề đã có công khai sáng nghề thuộc da, làm hia hài cho vua và giày dép cho thường dân, đó là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sĩ Bân.
Nguyễn Thời Trung đỗ tiến sĩ khoa thi Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc thứ nhất thời Lê - Mạc (năm 1565). Sau đó, ông làm quan đến chức Thừa chánh sứ. Ông là người cầm đầu đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc hòa đàm. Cùng đi còn có ông Chánh, ông Chính, ông Bân. Họ đều có chung ước nguyện ra nước ngoài học hỏi cách làm mới nhằm đem lại lợi ích cho dân.
Khi qua Hàng Châu, các ông học được nghề thuộc da, đóng giày với nhiều bí quyết để truyền lại cho người dân. Bởi vậy, vua Lê Thánh Tông đã phong cho các ông chức Thượng y, làm quan trong Bộ Quốc giám. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định gia phong cho các ông là Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, còn người dân làng Trúc Lâm tôn vinh các ông là tổ nghề.
Theo nội dung ghi trên các văn bia, đình Phả Trúc Lâm được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Ban đầu, đình có quy mô nhỏ, được dựng bằng tre nứa đơn giản. Đến thế kỷ XX, đình được tu bổ, nâng cấp và có kiến trúc tương tự ngày nay.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, đình Phả Trúc Lâm ít nhiều có sự thay đổi nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Vì có quy mô nhỏ nên tam quan đình nằm sát hè phố. Lối vào đình duy nhất được đóng - mở bằng cửa gỗ, song chạm con tiện. Chính giữa phía trên đề 3 chữ Hán, bên dưới bằng chữ quốc ngữ: “Phả Trúc Lâm”. Hoa văn diềm mái được xây bằng gạch kiểu đơn giản. Hai bên cửa là đôi câu đối. Tường gạch hai bên xây kiểu cách điệu, chạm thủng hoa văn chữ “Thọ” màu trắng nổi bật trên nền tường vàng. Sau tam quan là một khoảng sân hẹp, tiếp đó là tiền đường và hậu cung. Trong khuôn viên đình hiện còn 3 tấm bia được gắn trên tường hồi có niên đại 1860, 1870, 1889 ghi lại lịch sử xây dựng và tu sửa đình.
Với những giá trị đặc sắc, đình Phả Trúc Lâm đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995.
Theo Thuỷ Hương (HNMO)
Anh Tuấn
TIN XEM NHIỀU
Giới thiệu Hội Nhà báo thành phố Hà Nội (27/09/2021 11:48:00)
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội:Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ (20/06/2024 10:57:00)
- 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Phát huy nguồn lực, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững (28/07/2023 10:11:00)
- Phát triển đô thị hai bên Vành đai 4:Khai thác tối đa giá trị đất đai (03/01/2024 15:18:00)
- Khởi công tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (10/10/2023 15:41:00)
THỦ ĐÔ TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ để thi hành Luật Thủ đô (19/11/2024 16:08:00)
- Đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng dự kiến khởi công vào năm 2027 (19/11/2024 16:05:00)
- Phát triển giao thông vận tải Thủ đô:Hướng tới mạng lưới đa phương thức (31/10/2024 14:10:00)
- Công bố 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc (17/10/2024 15:36:00)
- Luật Thủ đô 2024: “cơ hội vàng” giúp Hà Nội thực hiện chuyển đổi số (04/09/2024 14:13:00)