HÀ NỘI VĂN HIẾN HÀ NỘI VĂN HIẾN

Làng Cựu: Làng nghề - làng sáng tạo
Publish date 16/12/2023 | 23:30  | Lượt xem: 34

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía nam, làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) không chỉ giữ được những công trình độc đáo in dấu thời gian mà còn có nghề may âu phục nổi tiếng.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có, làng Cựu từng bước được định hướng trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề - di sản và một trung tâm sáng tạo của huyện Phú Xuyên trong tương lai.

lang-cuu.jpg

Một góc làng Cựu.

Dấu xưa làng cổ

Bước vào đầu làng Cựu, nhiều người phải trầm trồ trước cây bồ đề cổ thụ xòe tán khổng lồ, ôm trọn ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ XVI. Con đường nhỏ lát gạch và đá xanh đưa du khách đi sâu vào trong làng. Mỗi bước đi như một bước trở về quá khứ. Hai bên đường là những ngôi nhà cổ với phong cách kiến trúc giao thoa giữa nét truyền thống của làng quê Bắc Bộ với chút cách tân kiểu Pháp. So với những ngôi làng lân cận, làng Cựu nổi bật hơn nhờ những công trình kiến trúc mang tính bản địa và hội nhập sâu sắc được xây dựng trong giai đoạn 1920 - 1945. Người ta bắt gặp những ngôi nhà truyền thống 3 - 5 gian với hệ thống cột kèo, đường cong, mái chảy, cửa bức bàn nhưng lại mang đậm tính cách tân, thể hiện ở các phào chỉ, trang trí cột, cổng cầu kỳ với họa tiết kiểu châu Âu, cửa sổ ô văng chéo...

Đặc sắc nhất phải kể đến kiến trúc nhà - cầu của cụ Xã Vinh với chiếc cầu bằng gạch xây trên tường, nối hai ngôi nhà như cổng ngõ. Hay nhà cụ Phó Du được trang trí cầu kỳ hình con tôm đắp nổi giương đôi càng nâng bức đại tự gồm 4 chữ: “Nhập hiếu xuất đệ”, hàm ý: Trong nhà hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài nhường nhịn anh em... Những đề tài trang trí hoa văn, kiến trúc phần nào nói lên tính cách, sự tiếp nhận văn hóa phương Tây và giữ gìn truyền thống của gia chủ, đồng thời cũng phản ánh sâu sắc sự phát triển của lịch sử và đời sống văn hóa phong phú của làng Cựu.

Theo lời kể của cụ Lâm Văn Tứ, một vị cao niên trong làng, làng Cựu có lịch sử hình thành cách đây 5 - 6 thế kỷ. Xưa kia, nơi đây vốn là vùng chiêm trũng, cày cấy khó khăn nên người dân rất nghèo. Năm 1921, một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hầu hết các ngôi nhà trong làng. Cuộc sống vốn khó khăn càng trở nên túng thiếu. Một số người bỏ làng đến vùng khác làm việc kiếm sống. Trong số đó có hai anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng lên Hà Nội làm nghề may âu phục phục vụ lớp người giàu và các quan chức Pháp thời bấy giờ. Khi trở nên giàu có, họ trở về làng đưa những người khác lên học nghề, lập nghiệp. Bằng đôi tay khéo léo và đức tính cần cù, người làng Cựu dần nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc với nghề buôn vải, may âu phục. Có “của ăn của để”, họ trở về xây dựng quê hương. Nhiều gia đình không chỉ xây nhà, biệt thự mang phong cách kiến trúc thịnh hành mà còn đầu tư xây trường học, nhà hộ sinh; tu sửa đình, chùa, cổng làng... Sự đóng góp này cho thấy tư tưởng tiến bộ, nhân văn của người làng Cựu.

Điểm du lịch làng nghề - di sản độc đáo

Làng Cựu là một trong 6 thôn của xã Vân Từ có nghề may truyền thống được hình thành từ đầu thế kỷ XX. Đến nay, có khoảng 70% hộ gia đình ở xã Vân Từ vẫn giữ nghề may quần áo, veston của cha ông. Nhờ chịu khó học hỏi, nhanh nhạy và khéo léo nên đội ngũ thợ làng nghề đã làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh việc bảo tồn những công trình kiến trúc cổ và không gian truyền thống, người làng Cựu cũng chú trọng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, truyền thống hiếu học, lễ hội, nghề truyền thống... Bởi vậy, nơi đây được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển thành một điểm du lịch làng nghề - di sản độc đáo. Đấy cũng là mong ước của người dân làng Cựu, như lời cụ Lâm Văn Tứ chia sẻ: “Chúng tôi mong làng Cựu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản của các gia đình, dòng họ và làng Cựu”.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về làng nghề truyền thống, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng bộ môn Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng, các làng nghề ở Việt Nam đang vấp phải rào cản là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong việc giữ gìn không gian truyền thống. Tuy nhiên, người dân làng Cựu bao năm qua đã có ý thức tự bảo tồn. “Họ tự bỏ tiền sửa sang, trùng tu nhà cổ. Nhiều gia đình tự di chuyển đến nơi khác khi không gian sống bị thu hẹp, vừa không làm ảnh hưởng đến kiến trúc truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu sống hiện đại. Vì thế, việc phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình làng nghề - di sản tại đây là hoàn toàn khả thi” - ông Cường nói.

Cũng theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, để phát triển du lịch với những trải nghiệm khác biệt, người dân làng Cựu có thể kể lại những câu chuyện giúp du khách hiểu về đời sống văn hóa tinh thần, cách ứng xử, nền nếp gia phong của người xưa. Thậm chí, có thể tái hiện mô hình vườn - ao - chuồng thời bao cấp cho thấy lối sống sinh thái, tiết kiệm năng lượng, tự cung tự cấp của người Việt trong việc làm nhà, cung cấp thực phẩm, chất đốt, sản xuất nông nghiệp...

Trung tâm sáng tạo ở ngoại thành

Bên cạnh công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch, huyện Phú Xuyên đang nỗ lực đưa làng Cựu trở thành một trung tâm sáng tạo. Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi, Phó Trưởng bộ môn Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: “Đây là cơ hội để biến di sản thành tài sản văn hóa nhằm bảo tồn vốn văn hóa, khai thác hiệu quả trong bối cảnh mới, phục vụ phát triển sinh kế của người dân. Làng Cựu chứa đựng hạ tầng văn hóa sáng tạo trên cả khía cạnh vật thể và phi vật thể, là nền tảng để phát triển hoạt động sáng tạo”.

Từ năm 2018 - 2020, UBND huyện Phú Xuyên đã phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Platform (Ita-lia) thực hiện Đề án “Phát triển làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội theo mô hình Làng thời trang - du lịch”. Một ý tưởng táo bạo đã được Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Platform Alberto Sebastianelli, người đã gắn bó với văn hóa Việt Nam hơn 40 năm, đưa ra: “Chúng tôi sẽ xây dựng một trung tâm hội tụ các nghề thủ công, sản phẩm thời trang đặc thù của làng Cựu, song song với đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật cắt may cũng như lịch sử ngành dệt vải. Các sản phẩm sẽ được vun đắp bởi yếu tố văn hóa truyền thống, tránh việc sản xuất ồ ạt. Ngoài ra, để lan tỏa giá trị của nghề may truyền thống làng Cựu, chúng tôi sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các thợ may Việt Nam và Italia nhằm mang đến sự sáng tạo, những giá trị đặc sắc và lợi ích thương mại cho cộng đồng hai bên”. Song song với việc hình thành một trung tâm thời trang, Công ty TNHH Platform cũng cam kết tăng cường quảng bá điểm du lịch làng Cựu tới du khách Italia và cộng đồng quốc tế.

Việc đưa làng Cựu trở thành một điểm du lịch làng nghề - di sản, một trung tâm sáng tạo của huyện Phú Xuyên đang dần được hiện thực hóa với một số hạng mục đã được các bên liên quan tiến hành. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, sau khi được chuyển giao vào năm 2020, một phần của đề án này hiện được UBND huyện tiếp tục phối hợp thực hiện với các đơn vị, như thiết kế, cải tạo trường Huỳnh Thúc Kháng trở thành Bảo tàng lịch sử làng Cựu; xây dựng hội trường đa năng kết hợp trưng bày, đào tạo thiết kế sản phẩm may mặc; cải tạo khu vực đón tiếp khách, không gian quảng trường, thiết kế chiếu sáng... để đưa làng Cựu trở thành một trung tâm sáng tạo, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm. “Dự kiến, đầu tháng 3-2024 sẽ diễn ra Lễ hội nhạc Jazz làng Cựu. Trong lễ hội, ngoài phần trình diễn, giao lưu âm nhạc giữa các nghệ sĩ còn có hoạt động giới thiệu sản phẩm thời trang của làng nghề và của hai quốc gia. Những hoạt động này góp phần phát huy giá trị của làng Cựu - “hòn ngọc di sản” trong cuộc sống đương đại”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy chia sẻ.

Theo Mỹ An (HNMO)

Anh Tuấn