HÀ NỘI VĂN HIẾN HÀ NỘI VĂN HIẾN

Linh thiêng lễ hội Núi Sưa
Publish date 19/01/2024 | 22:00  | Lượt xem: 40

TTTĐ - Ngày 2/1/2024, UBND quận Ba Đình đã tổ chức Lễ hội Kỷ niệm ngày hóa Đức Thánh Thượng Đẳng Phúc Thần - Huyền Thiên Hắc Đế tại đền Núi Sưa (Công viên Bách Thảo, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình)

Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, lễ hội được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong Nhân dân về ý nghĩa lịch sử của đền Núi Sưa, từ đó, góp phần nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt công tác giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

undefined

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu tại lễ hội

Hàng năm cứ đến ngày 19 tháng Giêng (ngày sinh của Thánh) và ngày 21 tháng Chạp (ngày hóa của Thánh), hội làng Ngọc Hà lại được tổ chức để tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng làng “Thượng Đẳng Thần - Huyền Thiên Hắc Đế”.

Tương truyền, Huyền Thiên Hắc Đế là con trai thứ ba của Ngọc Hoàng bị đày xuống hạ giới đầu thai làm con của đôi vợ chồng giàu có ở làng Hữu Tiệp chuyên làm việc thiện nhưng hiếm muộn con cái. Khi sinh ra, cậu bé có làn da đen nên được đặt tên là Hắc Công. Cậu bé ham săn bắn và thường lên núi Sưa chơi. Năm 8 tuổi, cậu trèo cây, chẳng may trượt ngã và mất sớm. Dân làng lập miếu thờ trên núi Sưa. Ngôi miếu này nổi tiếng linh thiêng bởi cầu gì được nấy.

undefined

Lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trên địa bàn quận

Khi giặc Chiêm Thành quấy nhiễu biên cương, vua Lý Thánh Tông cử người dẹp nhưng bao trận không thắng. Một đêm, vua mộng thấy một vị thần da đen bay từ hướng bắc tới xin phò vua cứu nước. Vào trận, vị thần hóa thành đám mây đen, làm nổi cơn giông, đánh chìm thuyền giặc, giúp vua đại thắng. Trở về, vua cho xây lại miếu trên núi Sưa, phong cho vị thần là Huyền Thiên Hắc Đế Thượng đẳng phúc thần.

Đền Núi Sưa hiện nay mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX, có diện tích 6.481m2, nằm trên đỉnh núi Sưa ở độ cao 17,86m. Đền có kiến trúc đơn giản với cầu thang dẫn lên, hai bên là hai trụ biểu, qua một khoảng sân nhỏ là tới điện thờ gồm 3 gian. Chính giữa là nơi thờ Huyền Thiên Hắc Đế, bên phải là gian thờ Mẫu, bên trái là nơi thờ Phật. Đền được bao bọc bởi hàng sưa cổ thụ tạo nên vẻ thâm nghiêm.

Trong khuôn viên đền hiện còn lưu giữ 4 tấm bia đá có giá trị. Hằng năm, Lễ hội đền Núi Sưa được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng - cũng là hội chung của 3 làng cổ có tục kết chạ, cùng thờ Thành hoàng Huyền Thiên Hắc Đế, gồm Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Xuân Biểu. Lễ hội đền Núi Sưa xưa kia được tổ chức linh đình (từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng), gồm lễ tế với tục rước văn, rước oản từ chùa Ngọc Hà; lễ rước từ đình Ngọc Hà lên núi Sưa và lễ Tất.

Ngoài phần lễ còn có phần hội với nhiều trò chơi như chọi gà, đánh cờ người; hát chèo; thi cây thế, thổi xôi, luộc gà... Lễ hội đền Núi Sưa là một trong những lễ hội tiêu biểu của “Thập tam trại” ở Thăng Long xưa còn được bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay.

Lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trên địa bàn quận, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” cho các thế hệ người dân trong quận, nhất là thế hệ trẻ.

Theo Khánh Vy (Tuổi trẻ Thủ đô)

Anh Tuấn