KỶ NIỆM NGHỀ BÁO KỶ NIỆM NGHỀ BÁO

Phóng viên ảnh tác nghiệp ở tâm dịch và câu chuyện xúc động bây giờ mới kể
Publish date 09/10/2021 | 14:26  | Lượt xem: 43

(CLO) Với vai trò tiên phong trên mặt trận tuyên truyền, có nhiệm vụ đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình dịch bệnh, trong nhiều ngày qua, phóng viên Ngọc Dương - Báo Thanh Niên đã xung phong lao vào tâm dịch, tác nghiệp với cường độ cao để kịp thời đưa tin tức, hình ảnh hấp dẫn nhất đến với bạn đọc.

Vào một ngày cuối tháng 7/2021, phóng viên Ngọc Dương có mặt tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, (cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM). Lúc này trong ở khu Trung tâm Hồi sức tích cực các y bác sĩ đang tất bật đặt ống thở cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, điều chỉnh ống nội khí quản hô hấp, kiểm tra hệ thống máy móc hỗ trợ hô hấp, lọc máu cho bệnh nhân...

Trong quá suốt trình tác nghiệp tại đây anh luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đôi ngũ y tế. Theo kinh nghiệm của anh, khi vào trong bệnh viện hay bất cứ khu điều trị nào những bộ quần áo phóng viên mang trong người sẽ không thể sử dụng, mà chỉ sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng của bệnh viện, có mức độ an toàn cao nhất.


Một bức ảnh trong phóng sự ảnh "Nơi giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch" của phóng viên Ngọc Dương. Ảnh: VNCC

Ngoài đeo găng tay máy ảnh cũng được anh bọc trùm với những loại nilong trong suốt, việc xoay sở tác nghiệp, thao tác sẽ khó khăn hơn, nhưng mọi phóng viên vẫn phải tuân thủ vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.

Anh Ngọc Dương chia sẻ: “Không giống bất kỳ ở đâu, tác nghiệp trong phòng điều trị bệnh nhân, thời gian và không gian đều bị giới hạn, khi đó thời gian để tác nghiệp trong khu vực điều trị không phải là nhiều, người phóng viên phải luôn giữ đúng khoảng cách, không đụng chạm vào bất cứ đồ vật nào trong phòng. Không vì tình yêu, lòng đam mê mà quên các quy định. Bước ra khỏi phòng, tôi được bác sỹ hướng dẫn, chỉ dẫn cách tháo, mặc đồ bảo hộ trên người. Mỗi lần tháo một đồ vật là xịt khử trùng, từng lớp từng lớp một”.

Phóng sự ảnh về “Nơi giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid-19” được đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi lời cám ơn ban biên tập đã cho họ hiểu hơn về những người thầy thuốc của nhân dân, của đất nước. Khẳng định những y bác sỹ không khác gì những người hùng của dân tộc trong thời bình và cầu chúc y bác sỹ có sức khỏe, giữ vững tinh thần chiến đấu.

Nghề phóng viên được coi là nghề nguy hiểm, tác nghiệp trong mùa dịch Covid – 19, sự nguy hiểm còn tăng lên vì phóng viên phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh, trở thành F1 bất cứ lúc nào. Do tình hình dịch luôn có diễn biến mới, thông tin cần được cập nhật liên tục nên họ phải làm việc với cường độ cao. Giống như nhiều đồng nghiệp, trong đợt dịch bùng phát này, phóng viên Ngọc Dương ngoài áp lực thông tin, anh cũng thường đến khu vực có nguy cơ cao, gồm cả bệnh viện, khu cách ly, đi theo lực lượng tuần tra, kiểm soát…


Phóng viên Ngọc Dương - Báo Thanh Niên tác nghiệp trong một khu vực phong tỏa. Ảnh: NVCC

Thường xuyên đi cùng các lực lượng tuần tra trên đường, giám sát việc thực hiện quy định hạn chế người dân ra đường, anh cũng đảm bảo giữ khoảng cách, tuân thủ quy tắc mang khẩu trang, găng tay không đứng gần, rửa tay sát khuẩn liên tục, đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh... Nói về lần đi tác nghiệp trong đợt dịch này, anh nhớ nhất phóng sự ảnh “CSGT TP.HCM xử phạt sau 18 giờ: Lặng người trước ông bố chở bình oxy cứu con”.

Hôm đó anh xuất phát từ trụ sở Công an Q.Tân Bình đi qua các tuyến đường để kiểm tra người dân ra đường không có lý do cần thiết. Tại công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), tổ công tác đã yêu cầu tất cả các xe dừng lại kiểm tra giấy tờ. Một người đàn ông áo ướt đẫm mồ hôi, đeo bao tay y tế, cầm theo chai xịt khuẩn đang chở bình oxy phía sau rưng rưng nước mắt khi CSGT yêu cầu dừng xe.

Qua trao đổi, mọi người mới biết anh cho biết tên Vân (40 tuổi) vừa từ đường Phạm Văn Đồng qua trung tâm phân phối bình oxy ở Kênh Tân Hóa để đổi bình về cho con trai bị u gan nguyên bào. Vợ chồng anh Vân đều không ổn định công việc, dành trọn thời gian ở chăm con, mỗi bình oxy giá 400.000 đồng nên cuộc sống càng chật vật.

“Lúc đó tôi và tổ CSGT đề lặng người vì xúc động. Thiếu tá Lê Hoàng - tổ trưởng tổ công tác đã động viên chia sẻ cùng anh Vân, đồng thời nhắc anh khi thật cần thiết ra ngoài cố gắng sắp xếp trước 18 giờ. Tổ công tác cũng trao món quà nhỏ động viên anh Vân vượt qua khó khăn”- Ngọc Dương chia sẻ.


Người bố cố hết sức để chở bình oxy về cho con trai đang nằm nhà vì bị u gan. Ảnh: Ngọc Dương

Câu chuyện về ông bố chở bình oxy cứu con đăng trên báo Thanh Niên Online tối 26/7 đã nhận sự quan tâm đặc biệt của dân mạng. Từ đêm 26 đến trưa hôm sau, anh Vân- nhân vật chính trong tác phẩm đã nhận được nhiều lời hỏi thăm động viên chia sẻ, nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ anh một khoản tiền. Một số người cũng liên hệ gửi tặng máy thở, để anh Vân không phải ra đường đổi từng bình oxy.

Câu chuyện về ông bố và bình oxy mà báo Thanh Niên đăng tải không chỉ miêu tả về tình cha đầy xúc động mà còn thể hiện những tấm lòng bao dung nhân ái của người Việt trong đại dịch, đó cũng như là phép màu, là động lực to lớn để mỗi hoàn cảnh mỗi số phận khó khăn trong xã hội được tiếp thêm sức mạnh quyết tâm vượt qua hoàn cảnh.

Tác nghiệp mùa dịch phần lớn các lực lượng tham gia chống dịch từ bác sỹ, công an, bộ đội luôn tạo điều kiện cho mỗi phóng viên, nhưng cái khó đối với phóng viên mùa dịch làm thế nào để có những nhân vật, những câu chuyện hay, tình tiết hấp dẫn đáp ứng mong mỏi của bạn đọc. Làm sao để bạn đọc để họ hiểu sâu hơn về cuộc sống, góc khuất, con người, số phận. Tất cả đều thôi thúc mỗi phóng viên lên đường, đi, phải hỏi thăm nhiều hơn mới thấy được.


Ngọc Dương cùng nhiều đồng nghiệp vẫn giữ vững tinh thần tác nghiệp trong đại dịch. Ảnh: NVCC

Dịch bệnh vẫn căng thẳng, cuộc chiến chống Covid - 19 còn dài, nhiệm vụ tác nghiệp trong vùng dịch của phóng viên không khác gì nhiệm vụ của người lính ra tiền tuyến chiến đấu. Họ hạnh phúc vì được sát cánh cùng các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, thể hiện sự dấn thân, cống hiến bền bỉ, tất cả đó là lòng yêu nghề, trách nhiệm với xã hội.

Có thể nói, hoạt động của Ngọc Dương cùng nhiều đồng nghiệp thể hiện sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ phóng viên, góp phần làm sáng ngời tinh thần trách nhiệm của người làm báo, tinh thần dũng cảm, khẳng định giá trị đích thực của báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần cùng với cộng đồng quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Nguyên Phong (Nhà báo & Công luận)

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO