Tác phẩm báo chí chất lượng cao Tác phẩm báo chí chất lượng cao

Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao - động lực cho sự sáng tạo
Publish date 20/01/2022 | 12:18  | Lượt xem: 55

(NB&CL) Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao triển khai trong nhiều năm qua, đã trở thành động lực khuyến khích sự lao động sáng tạo của hội viên, nhà báo cả nước.

Để việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ngày càng thực chất, phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một quy chuẩn và một số những thay đổi để phù hợp hơn nữa.

Nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí

Những tháng cuối năm, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ của Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam hay các khóa học bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đều rất quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Như PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng cho biết: “Các lớp đào tạo góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ của các cấp Hội ở địa phương và tại các cơ quan báo chí hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, nhất là tác phẩm báo chí dự thi. Các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng thể hiện vai trò quan trọng của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên, cũng như triển khai thực hiện đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và giải báo chí tại địa phương”.

Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao góp phần tạo động lực cho các hội viên, nhà báo tích cực hơn trong hoạt động nghề nghiệp.

Trên thực tế, từ năm 2006 đến nay, cứ 05 năm một lần, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình (trước đây gọi là Đề án) hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Công tác hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương đã được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay, với hình thức hỗ trợ theo các đề án, thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với những người làm báo ở các địa phương. Kết quả, giai đoạn 2006-2010 có hơn 10.000 tác phẩm được hỗ trợ, giai đoạn 2011-2015 hơn 15.000 tác phẩm được hỗ trợ và giai đoạn 2016-2020 hơn 14.000 tác phẩm được hỗ trợ. Ngày 08/4/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg, tiếp tục phê duyệt Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021-2025.

Trên thực tế, hiệu quả từ Chương trình này đem lại là khá rõ trong đời sống báo chí, đời sống xã hội. Bởi tác phẩm báo chí chất lượng cao đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, nhất là báo chí địa phương. Thậm chí, nhiều lĩnh vực khó, đề tài khó được đầu tư khai thác, phản ánh khá toàn diện và sâu sắc. Trong từng thời điểm báo chí địa phương đã huy động được nhiều tác phẩm có chất lượng cùng tham gia tuyên truyền tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột xuất. Không ít tác phẩm mang tính phản biện, có góc nhìn đa chiều, đi thẳng vào những vấn đề gai góc, phân tích lý giải khách quan, thấu đáo, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Chương trình Hỗ trợ báo chí chất lượng cao cũng tạo ra nguồn cung ứng tác phẩm dồi dào cho các cuộc thi báo chí, giải báo chí ở địa phương và Trung ương như Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí Búa Liềm Vàng, Giải Báo chí Đại đoàn kết dân tộc… Đối với các Hội Nhà báo địa phương, thông qua Chương trình đã tập hợp, đoàn kết hội viên, làm cho mối quan hệ giữa tổ chức Hội với hội viên ngày thêm gắn kết. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, hằng năm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các nhà báo, hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại.

Trong việc triển khai Đề án Hỗ trợ báo chí chất lượng cao, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xem trọng công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, lấy đó làm tiêu chí thi đua để hội viên phấn đấu, lấy kết quả xếp loại tác phẩm để hỗ trợ kinh phí, đánh giá chất lượng hội viên tham gia công tác Hội. Từ chất lượng của những tác phẩm báo chí được hỗ trợ đầu tư, làm cơ sở tuyển chọn tham dự các giải báo chí do địa phương và Trung ương tổ chức. Chính môi trường hoạt động tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình báo chí, sự yêu thích nghề nghiệp, chịu khó dấn thân vào những nơi khó khăn gian khổ, nâng cao kỹ năng của nhiều nhà báo trẻ, góp phần vào thành công của Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí khác.

Cần một quy trình chuẩn, chặt chẽ, thống nhất

Nhà báo Hà Minh Đích - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ngãi cho rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả Chương trình, hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam luôn có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách chu đáo. Gắn hoạt động hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao với công tác thi đua khen thưởng, cương quyết hạ bậc hoặc cắt danh hiệu thi đua nếu không bảo đảm các tiêu chí đề ra. Việc phân bổ kinh phí, nghiệm thu, thanh quyết toán được tiến hành công khai, minh bạch, với sự kiểm tra, thẩm định chặt chẽ của Hội đồng nghiệm thu cấp địa phương và Trung ương. Tuy nhiên, ông cũng có góp ý thêm rằng, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, Trung ương Hội nên nghiên cứu, ban hành một quy trình chuẩn, chặt chẽ, áp dụng thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Quy trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao cần theo hướng công khai, dân chủ, quy định rõ nội dung công việc, trình tự các bước tiến hành, từ lúc mở đầu đến khi kết thúc hoạt động hỗ trợ.

Với Hội Nhà báo Hà Tĩnh, để thực hiện đúng theo hướng dẫn, Hội đã thành lập Hội đồng hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao nhằm thẩm định đúng chất lượng tác phẩm, hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, thực hành tiết kiệm. Đề cương tác phẩm phải được đăng ký từ đầu năm nên tránh tình trạng những tác phẩm chưa có đề cương được thẩm định nhưng đến gần kỳ (tháng 12) mới lấy những tác phẩm vừa đăng, phát để hợp thức hoá hồ sơ, Hội đề ra tiêu chí cụ thể cho tác phẩm báo chí chất lượng cao, trong đó không lấy yếu tố thời sự làm thước đo chính. Yếu tố thời sự được khắc phục trong việc nới rộng biên độ đăng ký tên đề tài, thời gian đăng, phát. Thay vì tên một tác phẩm cụ thể trong một thời gian cụ thể, cho phép đăng ký rộng hơn (vẫn đảm bảo không vi phạm quy chế). Dành toàn bộ kinh phí để chi trả cho tác phẩm báo chí chất lượng cao nhằm kích thích sự đầu tư sáng tạo, đúng như mục đích của chương trình, giúp hội viên tham gia hào hứng hơn.

Một lớp tập huấn trực tuyến cho hội viên nhà báo góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí.

Cũng đồng quan điểm cần có sự “quy chuẩn” hơn về mặt thời gian hướng dẫn, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Hải cho rằng: “Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam nên ban hành Hướng dẫn, quy định định mức tác phẩm cho Hội Nhà báo địa phương trong khoảng thời gian đầu hoặc giữa năm (có năm đến tháng 9, thậm chí tháng 10 mới quy định định mức). Đồng thời, để chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao tiếp tục phát huy được hiệu quả, Hội Nhà báo địa phương rất mong Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng để sớm thực hiện Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ…”.