TIN XEM NHIỀU TIN XEM NHIỀU

Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024):Thách thức với đội ngũ nhà giáo trong kỷ nguyên vươn mình
Publish date 20/11/2024 | 14:19  | Lượt xem: 5

Hôm nay (20-11), hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước kỷ niệm ngày lễ quan trọng của ngành trong niềm vui, niềm tự hào, vinh dự bởi kết quả đạt được thời gian qua.

Thành quả ấy là nền tảng để giáo dục Việt Nam có những bước tiến bền vững. Tuy nhiên, chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đang đặt ra không ít thách thức với đội ngũ nhà giáo.

cac-thay-co-giao-dang-no-l.jpg

Các thầy, cô giáo đang nỗ lực vượt qua thách thức và không ngừng tu dưỡng để thực sự là tấm gương cho học trò noi theo. Ảnh: Đỗ Tâm

Những dấu ấn tự hào

Sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cả nước hiện có 24 triệu người đang đi học ở các bậc, trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục. Giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực, từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.

Các địa phương, trong đó có Hà Nội đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, từ đó tạo ra các “sản phẩm” đạt chuẩn. Toàn thành phố đã có gần 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên ngày càng chủ động, sáng tạo hơn, học sinh cũng tự tin hơn, từ đó chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, với 38 lượt học sinh tham gia và đều đoạt giải (gồm 12 Huy chương vàng, 15 Huy chương bạc, 10 Huy chương đồng và 1 Bằng khen), tăng 4 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc so với năm 2023. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đạt thứ hạng cao, nhiều học sinh đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt là điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số không phải nước phát triển nào cũng đạt được. Cụ thể như: Tỷ lệ người biết chữ trên 16 tuổi đạt hơn 97%; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông đứng thứ 53 trên thế giới. Nhiều năm liền, Việt Nam thuộc tốp 10 các quốc gia có thành tích thi Olympic quốc tế dành cho học sinh phổ thông cao nhất; có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất.

Trọng trách nặng nề

Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng của chu kỳ đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những kết quả đạt được là nền tảng để ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục vững bước ở chặng đường mới. Đội ngũ nhà giáo càng nhận thức sâu sắc rằng, với sứ mệnh nghề nghiệp, trọng trách của họ ở kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng ngày càng nặng nề với không ít thách thức.

Với hơn 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học trên cả nước, có thể thấy, chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, được chuẩn hóa và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như hiện nay.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhà giáo chưa thực sự mẫu mực, có hành động, lời nói không phù hợp với nghề. Theo nhà giáo Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng): "Đó chỉ là trường hợp cá biệt, lực lượng nhà giáo trên cả nước vẫn đang ngày đêm miệt mài, thầm lặng gắn bó với trường, với lớp. Không ít người hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi vùng xa xôi để đem con chữ đến với trẻ em, xóa mù chữ cho người lớn tuổi... Những tấm gương ấy của các đồng nghiệp đã giúp chúng tôi thêm động lực vượt qua thách thức”.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ đang là thách thức không nhỏ với đội ngũ nhà giáo trong chặng đường mới để đào tạo ra những công dân toàn cầu. Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là nội dung đã được nêu tại Kết luận số 91-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Cụ thể hóa nội dung này, các địa phương, trong đó có Hà Nội xác định nhiều nhiệm vụ cần triển khai.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, để đạt mục tiêu đào tạo học sinh thành công dân toàn cầu, điều kiện quan trọng nhất và cần làm trước tiên là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hà Nội đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, trong đó có việc tổ chức các khóa đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên tiếng Anh ở trong nước và nước ngoài. Gần đây, vào tháng 8-2024, Hà Nội đã tổ chức khóa đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh. Đây là các giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.

Nhắn nhủ với đội ngũ nhà giáo dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chặng đường phía trước có nhiều thách thức khó có thể kể hết. Tuy nhiên, thách thức càng lớn, nhà giáo lại càng cần quay về đứng chắc, củng cố các giá trị cốt lõi của người thầy, không ngừng tự học, tu dưỡng nhưng với kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số... để thích ứng với kỷ nguyên mới.