HÀ NỘI VĂN HIẾN
Những ngày này, Hà Nội mưa rả rích, mùa đông đang vào độ khắc nghiệt nhất. Còn hơn nửa tháng nữa mới đến tiết lập xuân, song với người dân làng hoa Tây Tựu, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), mùa xuân đến sớm hơn thường lệ.
Ấy là khi những vườn hoa bung nụ hứa hẹn một mùa bội thu; là hình ảnh cả làng tất bật với những chuyến xe nối nhau đi về sớm tối mang sắc xuân đến mọi nhà.
Sắc xuân phơi phới
Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng từ nhiều ngày qua, trên các cánh đồng hoa của phường Tây Tựu đã bừng lên sắc xuân phơi phới bởi nhiều loài hoa bắt đầu chớm nụ, đơm bông. Nhà nhà “đổ” ra đồng sẵn sàng cho mùa thu hoạch lớn nhất trong năm. Từng vườn, từng luống, từng chậu hoa được chủ nhân nâng niu, chăm chút cẩn thận bất kể ngày, đêm.
Có được cánh hồng hoa khoe sắc như hôm nay, ngay từ cuối tháng 8, tháng 9, các hộ trồng hoa ở Tây Tựu đã bắt đầu xuống giống. Để rồi khi những cơn mưa cuối hạ dứt hạt, cơn gió heo may đầu mùa chao nghiêng trên tán lá thì các loại cúc như kim cương, vàng tàu, vàng đông, cúc chùm cánh dài, hoa hồng hay hoa ly, hoa đồng tiền, violet... đủ lớn để khoác áo màu xanh mới.
Có mặt từ sáng sớm tưới nước cho ruộng hoa hồng bắt đầu nhú nụ, ông Đặng Trần Hoạch (tổ dân phố Trung 7, phường Tây Tựu) - người có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa cho biết, để giữ được hoa nở đúng thời điểm bán cho người dân chơi Tết, gia đình ông chia diện tích trồng hoa thành nhiều lứa theo kiểu cuốn chiếu, cùng với đó là áp dụng cách bọc báo giúp cánh hoa hồng nở dài và đẹp hơn. “Gia đình tôi trồng 5 sào hoa hồng, hoa cúc. Trong đó, hoa cúc trồng 2 vụ hè, đông; hoa hồng trồng quanh năm. Trồng hoa cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa nên chúng tôi xác định gắn bó lâu dài với nghề”, ông Đặng Trần Hoạch chia sẻ.
Vụ Tết này, người dân làng Tây Tựu trồng khoảng 700ha hoa các loại. Những ngày giáp Tết, nếu trời nắng ấm, khí hậu nồm ẩm, bà con phải áp dụng nhiều biện pháp “hãm” để hoa nở đúng dịp Tết.
Là một trong số hơn 3.000 hộ trồng hoa của phường Tây Tựu, bà Nguyễn Thị Liên nói: “Trồng hoa cho dịp Tết, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển bởi nếu hoa nở trước hoặc sau Tết quá xa sẽ không được giá. Để vườn cúc này nở đúng Tết, gia đình tôi trồng cách đây hơn 3 tháng”.
Hầu hết hoa ở Tây Tựu không được trồng trong nhà kính, nhà lưới nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Là một trong những hộ dân trồng hoa ly phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh Nguyễn Văn Nhâm (tổ dân phố Trung 6, phường Tây Tựu) cho biết: “Với 2 sào hoa ly bán trong dịp Tết, tôi phải đầu tư gần 150 triệu đồng để mua hơn một vạn gốc cây giống. Đây là loại hoa khó trồng, thời tiết năm nay rét muộn, khô, ít nắng nên các hộ trồng hoa ly còn phải đầu tư hệ thống chiếu sáng, phun tưới để hoa nở đúng dịp Tết”.
Có mặt tại vườn, trò chuyện với người trồng hoa, phóng viên Báo Hànộimới mới thấu hiểu được nỗi vất vả xen lẫn sự lo lắng của họ. Bởi từ lúc ươm mầm đến khi thu hoạch, người nông dân luôn phải cần mẫn với các công việc như làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, tưới cây, tỉa cành. Mưa thuận gió hòa, cây lớn nhanh, nở đúng thời điểm, ngày thu hoạch bán được giá... người trồng thêm động lực, nhiều niềm vui. Vậy nhưng, những năm thời tiết mưa, nắng thất thường, mất vụ hoa Tết, người nông dân thêm nhiều nỗi buồn, lo toan, trăn trở và tiếc nuối công sức vất vả sớm hôm.
Vững tâm bám nghề
Là một trong những địa phương trồng hoa lâu năm của thành phố Hà Nội, làng hoa Tây Tựu chuyên cung cấp hoa tươi cho Thủ đô và các tỉnh khu vực phía Bắc. Hiện nay, toàn phường có khoảng 57% hộ gia đình trồng hoa, trong đó có 283,4ha trồng hoa tại địa phương và 415ha trồng hoa là diện tích thuê của các địa phương lân cận. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 820 triệu đồng/ha.
Để hỗ trợ người dân trồng hoa, UBND phường đã gửi hồ sơ xin phép sử dụng địa danh Tây Tựu để đăng ký nhãn hiệu “Hoa Tây Tựu” và được thành phố Hà Nội cho phép Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ hoa Tây Tựu sử dụng địa danh “Tây Tựu” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hoa Tây Tựu” cho du lịch, dịch vụ mua bán và sản phẩm hoa tươi của phường Tây Tựu.
Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đoàn Mạnh Hùng cho biết, phường luôn chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương là nông nghiệp trồng hoa, khuyến khích nhân dân gieo trồng các giống hoa có giá trị, chất lượng cao như hoa ly, hoa đồng tiền, hoa loa kèn... Cùng với đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật cho nhân dân, hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới; tổ chức các lớp tập huấn để nông dân có thêm kiến thức, trồng hoa có hiệu quả và đạt chất lượng cao hơn.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook..., làng hoa Tây Tựu đang tập trung tuyên truyền rộng rãi để hoa Tây Tựu tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong cả nước và cung ứng cho thị trường nhiều hoa đẹp. Theo đánh giá của người dân địa phương, năm nay, Tây Tựu được mùa hoa. Nếu cách đây một tháng, giá hoa tưởng chừng rẻ hơn năm ngoái thì đến thời điểm hiện tại, mức giá đã tiệm cận các năm trước.
“Dự kiến thời tiết những ngày cuối năm sẽ không có nhiều biến động khắc nghiệt, người trồng hoa có sự chủ động về kỹ thuật chăm bón nên Tây Tựu hứa hẹn sẽ có một mùa hoa Tết đẹp, bội thu”, chị Lê Thị Liên, tổ dân phố Trung 5 bày tỏ.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, phường Tây Tựu luôn chú trọng tuyên truyền cho người dân cách dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sản phẩm phân bón bằng chế phẩm từ đỗ tương để chăm sóc hoa. Ngoài ra, tại ngã tư các xứ đồng, địa phương đều cho xây bể chứa rác thải, vận động người dân sắm thùng để rác ở đầu ruộng, tránh việc vứt rác bừa bãi. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, hiện nay, trên các cánh đồng hoa của phường Tây Tựu là những con đường bê tông phẳng phiu nối dài từ làng ra ruộng dẫn tới những luống hoa đa sắc màu bảo đảm an toàn về sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích.
Những ngày cận Tết, cả cánh đồng hoa rộng lớn ở Tây Tựu không chỉ tấp nập bóng dáng người chăm sóc, thu hoạch mà còn rộn ràng hơn bởi những du khách đến tham quan. Họ là những người thích cảm nhận mùa xuân đến sớm, đến để hít hà hương sắc của các loài hoa, đi thăm thú và chụp ảnh những ruộng hoa trước khi chúng được cắt mang đi bán.
Trong số những du khách về Tây Tựu mùa xuân này, có cả GS.TS Tsuji Kazunari - giảng viên Đại học Saga (Nhật Bản). GS.TS Tsuji Kazunari chia sẻ: “Được về làng hoa lớn và lâu đời của Hà Nội như làng hoa Tây Tựu đúng vào dịp gần Tết, tôi thấy mình thật may mắn. Tôi mong muốn được học tập những kinh nghiệm tốt của người dân Tây Tựu để chia sẻ cho người trồng hoa ở quê hương tôi”.
Một mùa xuân nữa đang về. Một mùa hoa mới của người Tây Tựu đang vào chính vụ. Sau những tháng ngày dãi nắng, dầm mưa, vắt mình cho đất, cho cây, niềm vui của người nông dân nơi đây chính là nhìn thấy những “mùa xuân” của mình được đến với ngày Tết của mọi nhà...
Theo Hiền Phương (HNMO)
Anh Tuấn
TIN XEM NHIỀU
Giới thiệu Hội Nhà báo thành phố Hà Nội (27/09/2021 11:48:00)
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội:Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ (20/06/2024 10:57:00)
- 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Phát huy nguồn lực, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững (28/07/2023 10:11:00)
- Phát triển đô thị hai bên Vành đai 4:Khai thác tối đa giá trị đất đai (03/01/2024 15:18:00)
- Khởi công tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (10/10/2023 15:41:00)
THỦ ĐÔ TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ để thi hành Luật Thủ đô (19/11/2024 16:08:00)
- Đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng dự kiến khởi công vào năm 2027 (19/11/2024 16:05:00)
- Phát triển giao thông vận tải Thủ đô:Hướng tới mạng lưới đa phương thức (31/10/2024 14:10:00)
- Công bố 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc (17/10/2024 15:36:00)
- Luật Thủ đô 2024: “cơ hội vàng” giúp Hà Nội thực hiện chuyển đổi số (04/09/2024 14:13:00)