PHÁP LUẬT - XÃ HỘI
Thực hiện sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính đang là vấn đề được nhiều địa phương trên cả nước quan tâm. Tại Hà Nội, từ kinh nghiệm thực tiễn, công tác này trong giai đoạn 2023-2025 đã được chuẩn bị chu đáo từ sớm, từ xa, với những giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác liên ngành trung ương khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại thành phố Hà Nội, tháng 7-2024. Ảnh: Hiền Thu
Áp lực lớn ở một số địa phương
Theo Bộ Nội vụ, sau 4 năm kể từ ngày Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 có hiệu lực thi hành, vẫn còn 58/706 người (chiếm 8,22%) cán bộ, công chức cấp huyện và 1.405/9.694 người (chiếm 14,49%) cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách.
Bộ Nội vụ nhận định, tiến độ sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cán bộ, công chức dôi dư chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là do đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương đa số còn trẻ, có nguyện vọng cống hiến lâu dài, song khung vị trí việc làm tại cấp xã và phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ, nên rất khó sắp xếp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Một số địa phương ban hành chính sách chưa thực sự ưu đãi, vượt trội để khuyến khích đối tượng dôi dư tự nguyện nghỉ chế độ; mức hỗ trợ chưa thỏa đáng để ổn định đời sống, tạo việc làm mới...
“Bước sang giai đoạn 2023-2025, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều, dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, người lao động dự kiến dôi dư sẽ rất lớn, với khoảng 21.800 người", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng
Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2019-2021, thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, thành phố chỉ dôi dư 60 cán bộ, công chức và đã giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ này.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, với dự kiến giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư giai đoạn 2023-2025 của thành phố là 1.031 người. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.
Tại huyện Ứng Hòa, Bí thư Huyện ủy Bùi Thị Thu Hiền cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, sau sắp xếp, dự kiến huyện có hơn 140 cán bộ, công chức dôi dư. Về giải pháp, huyện ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn vào các chức danh tương đương. Còn tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, từ giữa năm 2023, quận đã dừng thi tuyển công chức, viên chức tại phường Trúc Bạch và phường Nguyễn Trung Trực - hai địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.
Về giải pháp cho giai đoạn 2023-2025, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, trước mắt, thành phố hợp nhất nguyên trạng bộ máy. Sau đó, với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật. Cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác sẽ được giải quyết kịp thời. Đồng thời, thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính.
Về chế độ, chính sách, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã, viên chức dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng/người, bao gồm tiền lương theo hệ số, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Thành công trong giai đoạn 2019-2021 và sự chủ động từ sớm, từ xa trong giai đoạn 2023-2025 chắc chắn sẽ giúp Hà Nội triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn:
Cần tiêu chí cụ thể thống nhất
Giải quyết nhân sự dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính là một việc khó, bởi cán bộ phần lớn đã được chuẩn hóa, khung biên chế tại các đơn vị cơ bản ổn định, hơn nữa đây là vấn đề liên quan trực tiếp lợi ích của cán bộ. Vì vậy, cần có một cơ chế, tiêu chí cụ thể thống nhất để phân định rõ ai là người có đủ năng lực phù hợp yêu cầu công tác mới khi sáp nhập. Cụ thể, cán bộ nào tiếp tục ở lại làm việc, cán bộ nào phải chuyển sang các công việc khác; từng địa phương căn cứ tình hình thực tế và đặc điểm, yêu cầu của công việc để có những quy định phù hợp tính chất của địa phương mình.
Đầu tiên, cần căn cứ tiêu chuẩn cán bộ, công chức; thứ hai, hằng năm đều có nhận xét đánh giá kết quả làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức; thứ ba, căn cứ vào nhu cầu của công việc mà hiện đang nói đến vị trí việc làm. Quan trọng là cần tính đến quá trình đào tạo chuyên ngành chuyên sâu của cán bộ đó.
Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ:
Có cơ chế thông thoáng nhất
Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương ở phường tinh gọn, hợp lý, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Từ đó, quận Đống Đa có điều kiện tập trung xây dựng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, quận cũng thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tuy nhiên, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sẽ bị ảnh hưởng tâm lý và phải mất thời gian để sắp xếp, bố trí hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với số cán bộ này. Do đó, thành phố sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất hỗ trợ đội ngũ cán bộ dôi dư.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy:
Tạo mọi điều kiện thuận lợi
Chuẩn bị cho công tác cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính phường, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lên phương án dự kiến về sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, thành phố ban hành kế hoạch chỉ đạo triển khai thì quận, phường thực hiện được ngay. Trong đó, Ban Thường vụ Quận ủy sẽ phê duyệt phương án cán bộ chủ chốt, UBND quận phê duyệt về cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp.
Trong giai đoạn đầu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có sự xáo trộn, khó khăn nhất định. Do đó, công tác cán bộ tại phường mới phải được xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện rõ ràng, không để bộ máy hành chính phường bị gián đoạn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
TIN XEM NHIỀU
Giới thiệu Hội Nhà báo thành phố Hà Nội (27/09/2021 11:48:00)
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội:Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ (20/06/2024 10:57:00)
- 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Phát huy nguồn lực, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững (28/07/2023 10:11:00)
- Phát triển đô thị hai bên Vành đai 4:Khai thác tối đa giá trị đất đai (03/01/2024 15:18:00)
- Khởi công tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (10/10/2023 15:41:00)
THỦ ĐÔ TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ để thi hành Luật Thủ đô (19/11/2024 16:08:00)
- Đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng dự kiến khởi công vào năm 2027 (19/11/2024 16:05:00)
- Phát triển giao thông vận tải Thủ đô:Hướng tới mạng lưới đa phương thức (31/10/2024 14:10:00)
- Công bố 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc (17/10/2024 15:36:00)
- Luật Thủ đô 2024: “cơ hội vàng” giúp Hà Nội thực hiện chuyển đổi số (04/09/2024 14:13:00)