PHÁP LUẬT - XÃ HỘI PHÁP LUẬT - XÃ HỘI

Lừa đảo trực tuyến dồn dập tấn công người dân
Ngày đăng 21/05/2024 | 15:04  | Lượt xem: 70

Gần đây các cơ quan chức năng, ngân hàng lại liên tiếp cảnh báo các chiêu trò mạo danh lừa đảo, khiến nạn nhân mất sạch tiền trong tài khoản.

Thủ đoạn ngày càng bài bản, tinh vi

Vietcombank mới đây gửi đến khách hàng cảnh báo tình trạng một số ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, quản lý chi tiêu có tính năng tự động truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng.

Cảnh giác trước tin nhắn tặng quà trên mạng. Ảnh minh hoạ

Theo Vietcombank, khi người dùng cung cấp thông tin tên truy cập và mật khẩu, ứng dụng sẽ sử dụng các thông tin này để truy cập dịch vụ ngân hàng số của khách hàng, lấy các thông tin về tài khoản, giao dịch, số dư và chuyển về ứng dụng quản lý tài chính, quản lý chi tiêu. Từ đó, khách hàng có nguy cơ bị chiếm đoạt thông tin dịch vụ và bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Trước đó, MB từng khuyến cáo khách hàng không tải và cài đặt phần mềm "Fast Cleaner"; hoặc nếu đã cài ứng dụng, hãy gỡ bỏ ứng dụng ngay lập tức và đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng. Lý do MB đưa ra khuyến cáo trên là bởi Fast Cleaner dù được giới thiệu là ứng dụng giúp tăng tốc thiết bị, loại bỏ dung lượng rác và tối ưu pin trên thiết bị Android nhưng thực chất lại chứa mã độc Xenomorph 3. Mã độc này có khả năng đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng, số dư tài khoản... và thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân...

Bên cạnh các hình thức trên, tình trạng lừa đảo bằng cách mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản không còn là câu chuyện mới thế nhưng ngày càng có nhiều người dân trở thành nạn nhân.

Phương thức lừa đảo này tiếp tục rộ lên với việc giả mạo cán bộ thuế và cơ quan Công an hướng dẫn cài đặt VneID. Tận dụng nhu cầu về quyết toán thuế tăng cao, các đối tượng này thường gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn zalo để cung cấp đường dẫn giả mạo ứng dụng cơ quan thuế và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, từ đó chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân bị chiếm quyền điền khiển điện thoại và mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi bị lừa truy cập vào một đường link giả mạo ứng dụng công VneID để "tích hợp căn cước công dân và mã số thuế".

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) liên tục ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.

Đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên Telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện các nhiệm vụ điểm danh nhận tiền, giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi giao dịch thành công, tội phạm sẽ thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết của tài khoản đã sử dụng liên lạc. Đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến trên điện thoại trong thời gian gần đây.

Nhiều cuộc gọi giả mạo lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo liên quan đến vụ án như buôn ma túy, vi phạm giao thông,... Ảnh minh hoạ

Nằm trong chuỗi nội dung "điểm tin tuần" được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khởi động từ trung tuần tháng 11/2023 với mục đích nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân, bản tin tuần từ 13 - 19/5/2024 tiếp tục cảnh báo tới người dân 5 hình thức lừa đảo nổi bật trên không gian mạng Việt Nam và quốc tế. Đó là gia tăng lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện; giả mạo quỹ đầu tư, công ty chứng khoán để lừa đảo; chiêu lừa mạo danh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam kêu gọi đầu tư các dự án nói chung của đơn vị này; lừa chiếm đoạt tài sản bằng ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) giả; cảnh giác với việc lợi dụng hình thức khám bệnh từ xa để lừa đảo. Nhiều kẻ lừa đảo đã dùng công nghệ AI để giả mạo các bác sĩ, các bệnh viện nhằm chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân.

Bảo vệ bản thân trước cạm bẫy lừa đảo

Nhận định thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần luôn đề phòng trước thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Trao đổi tại Hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” diễn ra ngày 13/5 tại Hà Nội, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chỉ rõ: hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về tình trạng lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại ước tính 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Hiện có đến 80% người trưởng thành tại Việt Nam sử dụng internet. Đây là môi trường lý tưởng cho các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoạt động.

Trước những hành vi lừa đảo online trên, mới đây Bộ Công an đã khuyến nghị người dùng tuyệt đối không tham gia mua bán đơn hàng ảo trên trang thương mại điện tử dưới hình thức cộng tác viên, nhân viên online…; không giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính; không nhập thông tin vào các đường link lạ gửi qua SMS, Zalo, Facebook. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, mã CVC2, mã OTP cho bất cứ đối tượng hoặc đường link nào, kể cả người xưng danh là nhân viên ngân hàng, công an...

Nếu nghi ngờ bị đánh cắp thông tin, khách hàng cần tạm thời khóa dịch vụ hoặc đổi mật khẩu và liên hệ ngay với Tổng đài của các ngân hàng hoặc đến điểm giao dịch gần nhất (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ kịp thời.

Thủ đoạn chính của tội phạm mạng là đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Do vậy, người dân cần tự trang bị kiến thức để đối phó. Mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp… đều đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức, lan tỏa tính cấp thiết của vấn đề. (Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao)

Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, ngành công an cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành dẹp nạn sim “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”. Chỉ trong tháng 4/2024, A05 đã phối hợp Bộ TT&TT gỡ hơn 2.100 tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ làm nhanh và siết chặt xác thực sinh trắc học và làm sạch dữ liệu khách hàng.

Cả phía công an và ngân hàng cho rằng, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là trách nhiệm của cả xã hội, nhưng điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi sử dụng mạng để tránh những rủi ro.