BÁO CHÍ - LUẬN BÀN BÁO CHÍ - LUẬN BÀN

Bàn các giải pháp tìm ra các mô hình phát triển kinh tế báo chí hiệu quả
Ngày đăng 14/10/2024 | 16:32  | Lượt xem: 11

Ngày 30/9, trong khuôn khổ của Hội nghị giao ban Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc quốc lộ 6 năm 2024, hội thảo nghiệp vụ: “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới” đã được diễn ra. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.

Chú trọng ứng dụng công nghệ số để tiếp tục tạo nguồn thu ổn định

Theo nhà báo Tô Quang Phán, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”, đây là chủ không mới nhưng rất thiết thực.

 

Các đại biệu dự hội thảo nghiệp vụ: “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”.

 

Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội mong muốn: Thông qua hội thảo, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc Đường 6, các cơ quan báo chí trong Cụm có dịp thảo luận, gợi mở, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất ý kiến đối với các cấp, các ngành chức năng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất. Từ các ý kiến của hội thảo sẽ có cơ chế chính sách phù hợp để cơ quan báo chí phát triển, người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, các cấp Hội Nhà báo khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong tình hình mới.

 

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho biết, vấn đề kinh tế báo chí là hoạt động nhằm mang lại nguồn thu, lợi nhuận và bảo đảm cho quá trình vận hành, phát triển của cơ quan báo chí. Hoạt động kinh tế báo chí phần lớn dựa trên sản phẩm hàng hóa báo chí, truyền thông và dịch vụ quảng cáo. Những năm gần đây, kinh tế báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng khi các cơ quan báo chí phải tự chủ về vấn đề tài chính.

 

Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội.

 

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng: Theo xu hướng của thời đại, trong tương lai, các cơ quan báo chí sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn do lượng lớn nguồn thu quảng cáo số chảy vào các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, quảng cáo và nguồn thu từ báo in ngày càng giảm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, phát huy những thành tựu đã đạt được, Báo Hànộimới sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các mô hình phát triển kinh tế báo chí hiệu quả, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để tiếp tục tạo nguồn thu ổn định nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của một tờ báo Đảng địa phương và phát triển bền vững.

 

Tham luận tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh cho biết, kinh tế báo chí trong giai đoạn mới đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn, từ sự suy giảm của báo chí truyền thống đến sự trỗi dậy của các nền tảng kỹ thuật số.

 

Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh phát biểu tại hội thảo.

 

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội nếu các cơ quan báo chí biết tận dụng và thích nghi với những thay đổi của thị trường. Việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường tương tác với độc giả sẽ là chìa khóa để báo chí phát triển bền vững trong tương lai.

 

"Đồng thời Báo cũng đẩy mạnh hợp tác truyền thông với các tổ chức, doanh nghiệp thông qua việc phối hợp tổ chức sự kiện. Điển hình là gần đây, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức thường niên Diễn đàn "Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững" tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cùng với đó, tăng cường mở rộng các lĩnh vực tổ chức hội thảo, tọa đàm như “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”, “Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị”, "Giải pháp Kiến trúc - Nội thất nâng cao chất lượng không gian sống cho nhà ở đô thị..." - ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Để hội viên là nhân tố tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong phong trào thi đua

Chia sẻ tham luận về nâng cao vai trò của tổ chức Hội Nhà báo tỉnh trong kinh tế báo chí, nhà báo Đoàn Thị Phương Hoa, Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cho rằng, cần có lộ trình đổi mới hoạt động báo chí nên tổ chức Hội và hội viên có nghĩa vụ tích cực vào sắp xếp cũng như kiến tạo tác phẩm.

 

Nhà báo Đoàn Thị Phương Hoa, Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên.

 

Đại diện Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống. Ngoài ra, các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

"Sự phát triển kinh tế báo chí đòi hỏi sự thay đổi cách tiếp cận để tránh phức tạp hóa, tiêu cực hóa vấn đề. Đổi mới kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh số", nhà báo Đoàn Thị Phương Hoa bày tỏ.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại hội thảo.

 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban và hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao các thành tích Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, TP dọc đường 6 đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng yêu cầu các cấp hội trong Cụm khi thực hiện phong trào thi đua cần phải có những đổi mới, tránh hình thức. Hội viên cần là chủ thể của các phong trào thi đua, các cấp hội cần đưa ra các giải pháp để hội viên phải là nhân tố tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong phong trào thi đua.

 

Ngoài ra, việc thực hiện các quy định đạo đức người làm báo cần có sự xem xét cụ thể hơn, đặc biệt công tác thi đua khen thưởng cần thiết thực hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của hội viên vào các hoạt động. Ngoài ra, cần huy động hội viên tham gia các giải báo chí lớn của trung ương, đặc biệt là Giải Báo chí Quốc gia. Các cấp Hội cần nghiên cứu để địa phương ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hội viên ở các địa phương tham gia các giải báo chí.

 

Hội Nhà báo 5 tỉnh, TP trong Cụm thi đua đã ký kết giao ước thi đua năm 2024 - 2025.

 

Nói về hoạt động của cụm thi đua, nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá: Vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các cấp hội trong việc thực hiện nội dung thi đua, ở đây còn có sự rời rạc, lỏng lẻo chưa hướng về hội viên. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi gợi ý, cụm có thể tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo chung cho hội viên trong cả cụm thi đua. Trong đó, việc tổ chức các hội thảo nghiệm vụ cần có sự trao đi đổi lại, có nhiều chủ đề mới và các tham luận cần thiết thực, thực tế hơn nữa.

 

Chia sẻ về vấn đề phát triển, kinh tế báo chí, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết, tại hội thảo các đại biểu đã chia sẻ đến nhiều vấn đề, trong đó nói về nguồn thu từ báo giấy, báo điện tử..., việc đặt hàng các cơ quan báo chí. Nhiều đại biểu đã dành thời gian bàn giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí; chia sẻ kinh nghiệm thành công tại cơ quan báo chí của mình…

 

Hội Nhà báo Hà Nội trao cờ luân lưu nhiệm vụ Cụm trưởng Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, TP dọc đường 6 năm 2025 cho Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu.

 

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, trong những khó khăn vướng mắc về hoạt động ở cấp hội như biến chế, tài chính, trụ sở… thì chính Hội Nhà báo các cấp cần đổi mới để khẳng định sự cần thiết của mình trong công tác thông tin tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương đến với công chúng.

 

Trong khuôn khổ chương trình, Hội Nhà báo 5 tỉnh, TP trong Cụm thi đua đã ký kết giao ước thi đua năm 2024 - 2025. Ngoài ra, Hội Nhà báo Hà Nội đã bàn giao cờ luân lưu nhiệm vụ cụm trưởng Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, TP dọc đường 6 năm 2025 cho Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu.