CHÂN DUNG NHÀ BÁO CHÂN DUNG NHÀ BÁO

Nhà báo Tạ Việt Anh - Người bắc nhịp tri ân
Ngày đăng 05/07/2022 | 14:30  | Lượt xem: 54

Nhìn ông đứng hồi lâu bên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ sinh viên Hà Nội ở Thành Cổ Quảng Trị hay trầm ngâm bên những hàng bia liệt sĩ tại hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 mới hiểu tấm lòng ông với mảnh đất này sâu nặng như thế nào…

Lãnh đạo Báo Kinh tế & Đô thị và Báo Quảng Trị dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: B.A

 Gác bút nghiên ra chiến trường

Đã gần 70 tuổi, nhưng chưa năm nào nhà báo Tạ Việt Anh - nguyên Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị lại không về Quảng Trị để tham gia các hoạt động “Nghĩa tình tháng Bảy”, chương trình mà ông là người khởi xướng cách đây hơn chục năm. Mỗi lần như vậy, ông lại rong ruổi suốt cả ngày trên ô tô cùng anh em từ Hà Nội vào Quảng Trị và ngược lại. Tuổi ngày một cao, sức không còn khỏe như thời đương chức, nhưng chưa lần nào chúng tôi thấy ông kêu mệt, hay vì sức khỏe mà bỏ ngang chuyến đi.

Trên những chuyến hành trình đó, ông có thời gian tâm sự chia sẻ với anh em chúng tôi, nhất là những phóng viên trẻ về lương duyên với Quảng Trị. Với ông, Quảng Trị không chỉ là chiến trường xưa, nơi mà ông và nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu trong những ngày hè đỏ lửa năm 1972, mà mảnh đất ấy còn có sự bao dung và nhiều tình cảm.

Năm 1972, dù chưa tròn 18 tuổi nhưng chàng thanh niên Tạ Việt Anh đã được đặc cách tốt nghiệp sớm khi mới học hết học kỳ 1 lớp 10 để lên đường nhập ngũ. Dù phải gác lại bao ước mơ của tuổi trẻ, tình yêu thương của gia đình, bạn bè, nhưng với những thanh niên Hà Nội còn măng tơ hồi ấy, việc “gác bút nghiên” lên đường đánh giặc là một lẽ đương nhiên, như bất cứ chàng trai ở làng quê, xưởng máy nào khi đất nước lâm nguy.

Ông tâm sự, lâu nay báo chí chỉ nhắc tới hàng ngàn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội gác bút nghiên lên đường chiến đấu, hy sinh anh dũng trong những ngày hè Quảng Trị đỏ lửa năm 1972. Nhưng ít người biết, những tháng ngày ấy còn có hàng vạn con em người Hà Nội cũng lên đường cùng một hướng tiền phương, trong đó có nhiều bạn bè cùng lứa với ông.

Sau vài tháng huấn luyện gấp gáp, đơn vị ông được lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Dù đã từng chứng kiến những trận bom Mỹ trút xuống Hà Nội, nhưng đến khi vào Quảng Trị, những chàng trai trẻ Hà Nội như ông mới thấm sự khốc liệt của chiến tranh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Tạ Việt Anh và Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Nguyễn Hà Phương tại lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình có công cách mạng (tháng 7/2012) - Ảnh: B.A

Năm 1973, Tạ Việt Anh phải rời chiến trường Quảng Trị về điều dưỡng tại Hà Nội do bị thương ở chân bởi mảnh bom B52, rồi tự ôn thi đỗ vào khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, ông đi làm báo, ban đầu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau sang Báo Hà Nội Mới, làm tới phó tổng biên tập phụ trách, rồi chuyển sang làm Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho đến ngày về nghỉ hưu.

Dù phải chia tay chiến trường Quảng Trị khá sớm, nhưng trong tâm trí ông không thể nào quên những ngày chiến đấu nơi vùng đất lửa này. Đặc biệt, không bao giờ quên tình cảm đùm bọc sẻ chia của người dân vùng giải phóng Quảng Trị với những người lính đến từ miền Bắc, từ Hà Nội. Những tình cảm ấm áp làm những chàng trai mới lớn vơi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà.

Tri ân quê hương thứ hai

Trở lại với Quảng Trị, vùng đất chiến trường xưa mà ông luôn xem như là quê hương thứ hai, nỗi niềm về ký ức chiến tranh, về đồng đội, về tình cảm ấm áp của người dân Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh cứ thôi thúc ông phải làm một điều gì đó. Lúc đầu ông đưa vợ con trở lại Quảng Trị, thắp hương cho đồng đội tại những nghĩa trang liệt sĩ. Rồi cùng đồng nghiệp báo chí Hà Nội đóng góp vào việc xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách. Dần dà, hình thành những chuyến về nguồn, viếng thăm Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, kết hợp với thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách còn khó khăn.

Năm 2011, hơn một năm sau khi về làm Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, ông bắt đầu chia sẻ với anh em chúng tôi về ý tưởng tổ chức chương trình tri ân hướng về Quảng Trị. Hồi ấy, cả hai Báo Kinh tế & Đô thị và Báo Quảng Trị đều rất khó khăn, nhưng khi ông nêu ý tưởng mọi người đều ủng hộ nhiệt tình. Sau chuyến đi “tiền trạm” nhẹ nhàng hè năm 2011 vào thắp hương các nghĩa trang liệt sĩ, ông cùng lãnh đạo Báo Quảng Trị đã bàn và quyết tâm tổ chức một chương trình quy mô với tên gọi “Những tấm lòng hướng về Quảng Trị”, kêu gọi ủng hộ xây 10 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 và 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Một hoạt động xã hội hoàn toàn mới, kinh phí khó khăn, cán bộ, nhân viên hai báo chưa có kinh nghiệm vận động tài trợ, nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo và cán bộ, phóng viên hai báo, chương trình đã thành công tốt đẹp. Kinh phí vận động xây được 12 căn nhà tình nghĩa và mua sắm thêm những vật dụng cần thiết cho các gia đình chính sách.

Lễ khánh thành 12 căn nhà tình nghĩa do Báo Kinh tế & Đô thị và Báo Quảng Trị trao tặng ngày 21/7/2012 được vinh dự đón Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đến dự. Tổng Biên tập Báo Viêng Chăn May Thoongluen Phimmasanemột người bạn của ông cũng cử đoàn công tác do một phó tổng biên tập dẫn đầu mang theo rất nhiều đồ dùng sinh hoạt gia đình từ Thủ đô Viêng Chăn (Lào) sang làm quà tặng chương trình.

Báo Kinh tế & Đô thị và Báo Quảng Trị bàn giao hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho huyện đảo Cồn Cỏ - Ảnh: B.A

Từ thành công của chương trình “Những tấm lòng hướng về Quảng Trị” năm 2012, ông và Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị quyết định nâng thành chương trình thường niên, tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các gia đình chính sách tại Hà Nội và tỉnh Quảng Trị... Từ năm 2014 ông nghỉ chế độ, nhưng Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị vẫn tiếp tục duy trì và từng bước mở rộng chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa này với tên gọi “Nghĩa tình tháng Bảy”. Hơn 10 năm qua, chương trình đã vận động được nhiều tỉ đồng tiền mặt, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm trao tặng cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo của tỉnh Quảng Trị.

Dù nghỉ hưu, nhưng mỗi mùa hè về ông vẫn luôn chủ động “đặt lịch” tham gia chương trình “Nghĩa tình tháng Bảy”. Không chỉ tham gia, ông còn dành khoản nhuận bút từ những bài viết trên Báo Quảng Trị, Tạp chí Nhà báo và quê hương… đóng góp ủng hộ chương trình. Nhờ sự dẫn dắt của ông mà chúng tôi hiểu thêm về vùng đất Quảng Trị kiên trung, bất khuất, người Quảng Trị chí tình, bao dung. Hình như hiểu được lòng ông, mỗi năm các đồng nghiệp Báo Quảng Trị lại chọn một địa điểm phù hợp để hai báo cùng phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách tại các huyện của tỉnh Quảng Trị như Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, đảo Cồn Cỏ… Đồng thời tổ chức viếng thăm, dâng hương những địa danh linh thiêng là Thành Cổ Quảng Trị, hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, di tích Khe Sanh - Tà Cơn, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn…

Chúng tôi nhớ mãi chuyến ông cùng anh em Báo Kinh tế & Đô thị và Báo Quảng Trị vượt sóng lớn ra đảo Cồn Cỏ cách bờ 18 hải lý để trao tặng hệ thống đèn năng lượng mặt trời do Công ty Sharetech và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong tài trợ trị giá hơn 300 triệu đồng cho Nhân dân và lực lượng vũ trang trên đảo. Đêm đó, ông cùng chúng tôi chứng kiến niềm vui của người dân và khách du lịch khi được dạo bước trên con đường dẫn từ khu trung tâm đến Cột cờ của huyện dưới ánh sáng điện.

Chúng tôi biết, ông rất vui khi những việc mình và các cơ quan báo chí làm rất có ý nghĩa. Hôm sau từ tờ mờ sớm, ông đã cùng chúng tôi ra chân Cột cờ làm lễ chào cờ nghiêm trang trước khi chia tay hòn đảo hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng. Một lễ chào cờ đơn sơ mà xúc động như lễ chào cờ trên đảo Sơn Ca mà tôi được tham dự vài năm trước đó.

Gần 70 năm tuổi đời, hơn 45 năm cầm bút, ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Giờ ngoài việc đảm nhiệm chức Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Thiên nhiên môi trường, ông vẫn viết đều đặn hằng tuần cho Kinh tế & Đô thị và nhiều báo khác. Đồng thời, ông còn là Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV). Ông vẫn thường xuyên đi về các miền quê nghèo ở Hà Giang, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… để giúp những người dân còn khó khăn tìm sinh kế vươn lên.

Và tháng 7 năm nay, ông sẽ lại có mặt ở Quảng Trị tham gia chương trình “Nghĩa tình tháng Bảy” để thắp hương tưởng nhớ đồng đội và cùng Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Quảng Trị thăm hỏi, động viên, tri ân những gia đình chính sách, tặng quà học sinh nghèo vượt khó.

CHUYỆN NGHỀ BÁO CHUYỆN NGHỀ BÁO